Chính phủ báo cáo tình hình KT - XH

Trung Kiên-Thứ hai, ngày 20/05/2013 21:55 GMT+7

 Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013.

Theo đánh giá của Chính phủ, các giải của Chính phủ để tháo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bước đầu đã có tác dụng và tình hình KT- XH của cả nước bắt đầu đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đạt mức tăng trưởng cao hơn năm ngoái.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chỉ đạo, điều hành phát triển KT - XH và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013, sáng 20/5 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, KT - XH 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực. Sự chuyển biến này được thể hiện qua mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2 - 3%/năm so với cuối năm ngoái; dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng; thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên.

Trong khi đó, thị trường vàng được quản lý tốt hơn theo cơ chế mới góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Xuất khẩu trong 4 tháng qua cũng đã đạt trên 39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 8 tỷ USD và vốn thực hiện ước đạt gần 4 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thực hiện việc giãn, hoãn thuế, tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và các giải pháp này đã có kết quả bước đầu.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế cho 7 năm tới. Trên tinh thần đó, nhiều công trình, dự án hạ tầng quy mô lớn và quan trọng đã được cấp vốn và giải ngân, đi cùng với việc Chính phủ tăng cường thu hút vốn và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ở lĩnh vực đổi mới và tái sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, 40 Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt. Hiện Chính phủ cũng đang tích cực thực hiện tái cơ cấu lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước cùng với việc hoàn tất thủ tục thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Trong 4 tháng qua, gần nửa triệu việc làm mới đã được tạo ra. 1,5 triệu người có công với cách mạng được trợ cấp thường xuyên và đến nay trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Chính phủ đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với 71.000 hộ gia đình có công với cách mạng trong năm nay. Trong 4 tháng qua, Chính phủ đã cấp không thu tiền gần 40.000 tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt đồng thời nâng mức hỗ trợ toàn bộ tiền mua Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đạt những kết quả thiết thực.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra 6 hạn chế yếu kém chủ yếu, trong đó sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao, tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp so với định hướng tăng 12% của năm 2013. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Quản lý thị trường vàng mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế. Cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn, tiến độ thu ngân sách chậm và đạt thấp. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho vẫn khá cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; số đăng ký mới thấp hơn so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản thanh khoản kém, phục hồi chậm.

Chính phủ cũng đưa ra dự báo tình hình KT - XH trong nước sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi đó kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định. Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới vẫn là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ xấu, thành lập và phát huy vai trò của công ty quản lý tài sản Việt Nam.

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương tái cơ cấu đầu tư đã đề ra. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, trình Quốc hội sửa luật Ngân sách nhà nước, ban hành luật Đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh các giải pháp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đi cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước