Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIX sáng nay (5/6), Bà Trần Thị Hằng, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra câu hỏi về chất lượng nguồn lao động nước ta hiện nay và kỳ vọng về sự thay đổi, đột phá trong giáo dục nghề nghiệp.
"Hiện tại chất lượng nguồn lao động Việt Nam còn thấp, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cần ưu tiên của nhà nước trong quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới như thế nào? Năm 2018 là năm mở đầu cho bước đột phá vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng có kỳ vọng kết quả đạt được sẽ như kỳ vọng mong muốn không?" - Bà Trần Thị Hằng đặt câu hỏi.
Bà Trần Thị Hằng, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước, năng lực nguồn lao động đóng góp một vai trò rất quan trọng. Chúng ta đánh giá nguồn nhân lực thấp và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp".
"Chất lượng nguồn lao động thấp nguyên nhân do nước ta chưa theo kịp về chuyển động kinh tế, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp còn chậm".
"Hiện nay nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%, công nghiệp 33,4%. Trong khi đó, chuyển dịch lao động của nước ta còn chậm. Hết năm 2017 là 40,7 lao động làm nông nghiệp và hết quý 1 tháng 4/2018 là 38%. Với một nguồn lao động lớn như vậy nhưng thực chất đóng góp vào GDP có 15,34%. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta phải bàn. Thứ 2, cơ cấu đào tạo của chúng ta bất hợp lý, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng, kỹ năng thiếu, môi trường làm việc gồm thu nhập, độ an toàn và mạng lưới dân sinh còn nhiều bất cập. Chính vì thế trong thời gian tới chúng ta nên hướng đến giáo dục nghề nghiệp".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Đào Ngọc Dung
"Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Đào Ngọc Dung nói - "Giáo dục nghề nghiệp có 3 chuyện phải quan tâm. Đầu tiên phải quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, sau đó chuyển dịch sang tự chủ - tự chủ sẽ là động lực để phát triển nghề nghiệp. Cuối cùng là doanh nghiệp và nhà trường phải cùng đồng hành với nhau trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đây là chủ trương mà nhiều quốc gia đã thành công khi áp dụng. Đặc biệt là những nước có nền giáo dục nghề nghiệp cao".
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm năm 2018 là năm đột phá và đã chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực. Tuy mới là khởi đầu nhưng đây là sự mở đầu rất quan trọng để tạo hướng đi mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!