Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội có quy mô 640 ha và kỳ vọng định hướng mở rộng 2000 ha tại cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội. Dự kiến khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp này sẽ thu hút khoảng 300 doanh nghiệp lớn nhỏ, tạo ra 300.000 việc làm mới, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 15.000 đến 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt là tính lan tỏa của một khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Việt Nam.
‘ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HNM
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, thời gian không còn nhiều. Với một loạt những Hiệp định sắp được thực thi, nước ta đang đứng trước vận hội rất lớn và thách thức cũng không nhỏ, nền kinh tế có trụ vững trước khó khăn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta, vấn đề là có muốn vượt qua hay không.
Chủ tịch nước khẳng định, suy nghĩ để hình thành một khu công nghiệp hỗ trợ là hoàn toàn đúng đắn nhưng rất trễ rồi chứ không phải sớm nữa. Thời điểm chúng ta đang bàn thì top 6 nước đầu của ASEAN đã có 40-60% công nghiệp phụ trợ. Thái Lan tình hình bất ổn định như thế nhưng năm qua vẫn suất siêu 13 tỷ USD một phần nhờ công nghiệp phụ trợ, còn chúng ta có ngoại tệ là do lao động nước ngoài gửi về, nhờ Việt kiều, rồi lấy tiền đồng mua USD chứ không phải là do cán cân thương mại, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đó. Chủ tịch nước lưu ý, phải có chính sách đủ mạnh, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh tận dụng vốn đầu tư nước ngoài để nền kinh tế trong nước đứng vững trên đôi chân của mình.
Chủ tịch nước cho rằng, với mức thuế suất cực kỳ ưu đãi thì các doanh nghiệp mới ào ạt đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cao như mình muốn. Nhưng công nghiệp cao lại toàn công nghiệp gia công thì không được. Về lâu dài, một đất nước công nghiệp hóa không thể là nền công nghiệp gia công, nếu vẫn nhập siêu liên tục thì đồng tiền Việt Nam sẽ không đứng vững được.
Chủ tịch nước đề nghị, Chính quyền Thành phố Hà Nội cần tạo các điều kiện cần thiết để khu công nghiệp phụ trợ này sớm đi vào hoạt động. Các Bộ ban ngành cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chủ trương chính sách trong quyền hạn của mình và quan trọng nhất là phối hợp để trình ra Quốc hội, Chính phủ việc được hưởng ưu đãi từ chính sách thuế, góp phần đưa ngành công nghiệp phụ trợ nói chung phát triển mạnh trong thời gian tới.