Hôm nay (25/3), tại tỉnh Vĩnh Phúc, Nhóm Kinh tế của Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết 30 năm đổi mới phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn cốt yếu về công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam”.
Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi đây là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. 30 năm đổi mới vừa qua, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 45% xuống mức 18,4%; nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng trên các cấp độ, tạo ra độ mở lớn cho nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 160% GDP, đưa nền kinh tế từng bước tham gia mạng lưới sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chưa rõ nét; thực hiện công nghiệp hóa chưa gắn chặt với hiện đại hóa, phát triển công nghiệp vẫn chủ yêu là gia công; chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn triển khai còn chậm, thiếu sự liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp; môi trường thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, đầu tư thực hiện công nghiệp hóa những năm qua còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trong khi các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, chưa tìm được hướng đi và mô hình phát triển phù hợp.
Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề xuất mốc 2020 đang đến gần nên gọi là mô hình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn”, hoặc là “công nghiệp hóa hiện đại”, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những ngành công nghiệp nền tảng như: chế tạo, năng lượng và công nghiệp phụ trợ nhằm tạo ra các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.