Trước những diễn biến mới trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, ý kiến doanh nghiệp khẳng định, khó khăn là có thật nhưng các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị phương án và quyết tâm vượt qua giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp mong muốn, để lòng yêu nước, quyết tâm và ý chí chuyển hóa thành các hoạt động thực tế, hữu ích cho đất nước, rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý trên địa bàn và ở Trung ương.
Qua 15 ý kiến phát biểu có thể thấy, hầu hết các ngành nghề như bất động sản, cơ khí điện tử, nông nghiệp, chăn nuôi, dệt may gia dày… đều có những vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp nhận định, một mặt đang phải gồng mình để tồn tại, nhưng mặt khác lại phải gồng mình với những khó khăn do chính chúng ta tạo ra về cơ chế. Đó là sự không ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật, có những văn bản lạc hậu so với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội. Việc áp dụng pháp luật thuế thiếu thống nhất.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, bức tranh kinh tế TP.HCM chưa hẳn đã tốt hơn 2013, chưa kể những diễn biến mới phát sinh. Điều mà các doanh nghiệp đòi hỏi nhiều nhất đó là, để chấn hưng, khơi dậy sức sống của nền kinh tế, rất sự đồng cảm và đồng hành của các cơ quan hành chính, các cơ quan thực hiện chức năng quản lý. Các cơ quan liên quan của Thành phố đã giải thích các thắc mắc của doanh nghiệp, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Theo dõi cuộc trao đổi giữa các doanh nghiệp với các ban ngành của Thành phố, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn rất cần đồng cảm và đồng hành giữa doanh nghiệp và bộ máy hành chính, phục hồi và chấn hưng đà sản xuất, kinh doanh, xây dựng nền kinh tế vững mạnh, đất nước hùng cường.