Hôm nay (22/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế với chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó công tác quản lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8 năm 2019 giảm xuống ở mức 6,9%.
Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.
Trong số nợ đọng thuế nêu trên, theo thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Trong đó, có 771.416 người nộp thuế (191.789 doanh nghiệp, 579.627 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, với số tiền nợ thuế là 24.194 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 10.065 tỷ đồng. Ngoài ra, 46.072 người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền nợ thuế là 9.468 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 4.168 tỷ đồng.
Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, cơ quan quản lý thuế đã tích cực xử lý nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về xử lý nợ đọng, trên cơ sở đó các cơ quan quàn lý thuế đã xây dựng phương án thu hồi nợ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, phân công trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân trong việc thu nợ, như vậy kết quả thu nợ trong những năm qua khá tốt, đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi. Tuy nhiên một số đơn vị mới tập trung vào thu các khoản nợ có khả năng thu hồi, còn nợ đọng chưa được xử lý dứt điểm do chưa có cơ chế để thực hiện.
Do đó, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết. Trong đó, Việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
- Công khai, minh bạch việc xử lý nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân.
- Việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.
- Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế (là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh) đã được xóa nợ khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Sau phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS đề nghị không quy định Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trường hợp cần thiết để giải quyết dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu nộp ngân sách nhà nước thì đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ tổ chức thực hiện Nghị quyết này trong 3 năm.
Ủy ban TCNS đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nguyên tắc xử lý nợ (Điều 3), đối tượng được xử lý nợ (Điều 4), các biện pháp xử lý nợ (Điều 5) cũng như các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!