Không để ai ở lại phía sau" là cam kết của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cũng chính vì vậy, thời gian qua, hàng loạt các chính sách đã được ban hành nhằm giúp người nghèo có cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, trong phiên giám sát của Quốc hội về chính sách giảm nghèo vừa qua đã chỉ ra sự chồng chéo, trùng lặp, manh mún trong các chính sách giảm nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn của cả nước, dẫn đến tình trạng giảm nghèo chưa hiệu quả ở nhiều xã 135.
Nghèo do ỷ lại chính sách
Không ít hộ nghèo vẫn còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và chưa có ý thức thoát nghèo. Đây là chuyện đang xảy ra ở nhiều xã 135 có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Ở nhiều bản người La Hủ, đến bây giờ, ngoài làm nương và vào rừng hái lượm theo mùa thì họ chẳng làm gì khác. Đây cũng là cộng đồng luôn duy trì tỷ lệ nghèo hơn 80% ở tỉnh Lai Châu.
Ở nhiều hộ nghèo, nhiều năm qua, cái ăn, cái ở, cây giống, vật nuôi đều được nhà nước cấp nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Cứ như vậy, "thiếu gì nhà nước cho", ở Bản Mu Chi có 73 hộ thì trừ bí thư, trưởng bản, cán bộ, còn lại đều là hộ nghèo.
Thiếu thì có nhà nước lo và quan niệm chỉ cần đủ ăn đang làm cho nhiều hộ dân ở các xã 135 tiếp tục trong nhóm "nghèo bền vững".
Chủ thể thoát nghèo là người nghèo
Trong số 118 chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không ít chính sách còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa tạo được sự khuyến khích người nghèo chủ động và hăng hái vươn lên thoát nghèo, nhất là thoát nghèo một cách căn cơ, thực chất và bền vững.
Tại các mô hình thoát nghèo thành công ở vùng khó khăn, vấn đề không phải là chính sách, không phải là quy mô mà chính là đặt người nghèo ở đúng vị trí họ là chủ thể thoát nghèo.
Dự án nuôi bò trị giá 500 triệu đồng này không giao bò giống về bản mà giao đồn biên phòng Pa Ủ giúp các hộ nghèo cách làm chuồng nuôi tập trung, trồng cỏ voi, biết phát hiện, trị bệnh cho bò. Sau 2 năm, từ 16 con bò giống đã giờ thành đàn bò 33 con và nhiều hộ sẽ có thêm lối thoát nghèo nhờ biết nuôi bò.
Thông điệp người nghèo là chủ thể thoát nghèo đang thể hiện rõ ở các mô hình giảm nghèo tại vùng Tây Bắc. Với người Hà Nhì ở xã Biên giới Thu Lũm, 10 năm qua, sả đã trở thành cây thoát nghèo và đem lại thu nhập 33 triệu đồng/người/năm nhờ trồng và chế biến tinh dầu sả.
Một con giống tốt, một cây trồng hiệu quả có thể đưa cả một cộng đồng thoát nghèo. Những căn nhà tầng kiên cố trị giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng xuất hiện nhiều hơn trên vùng đất này. Ở Thu Lũm, hàng tháng đều có hộ đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tất cả nhờ vào sự chăm chỉ và khát vọng "thoát nghèo" của cả cộng đồng.
Trọng tâm, trọng điểm của chính sách giảm nghèo
Giảm nghèo không chỉ là chính sách mà còn là sự nỗ lực của tự thân các hộ nghèo, người nghèo nếu họ không cố gắng, không có ý thức thoát nghèo thì có bao nhiêu chính sách hỗ trợ đều không đạt hiệu quả.
Theo kiến nghị của các địa phương, chính sách giảm nghèo cần đặc thù cho từng khu vực, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy phát huy nội lực người dân vùng 135 để họ tự ý thức vươn lên và không còn tâm lý ỷ lại vào Nhà nước. Đây cũng là yếu tố quyết định trong đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn trên con đường mà đích đến là thoát nghèo bởi tỷ lệ hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số lên tới gần 63%. Để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, các địa phương phải tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức của hộ nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là phải đưa người nghèo từ thế "thụ động" sang "chủ động thoát nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!