Hàng nghìn điểm sụt lún "bất đắc kì tử": Chưa bao giờ khổ như bây giờ!

Quách Hằng-Thứ năm, ngày 21/05/2020 11:27 GMT+7

VTV.vn - Chưa bao giờ người dân Cà Mau phải sống trong sự bất an đến thế khi những rủi ro từ những con đường sụt lún vẫn rình rập và không biết sẽ xảy ra lúc nào.

Những đoạn đường nứt toác, sẵn sàng sụt bất kì lúc nào

Sụt lún đang trở thành nỗi ám ảnh của hàng chục ngàn hộ dân sống trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau là hai huyện Trần Văn Thời và U Minh bởi gần như con đường nào cũng có đến vài đoạn bị sụt mà khó khăn di chuyển hơn cả vượt địa hình (off-road).

Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 1.

Những đoạn đường sụt lún bất thường tại Cà Mau

Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 2.
Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 3.
Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 4.

Theo thống kê mới nhất của Sở NNPTNT tỉnh này, thì đã có đến hơn 1.600 điểm sụt từ đầu năm đến nay - con số kỷ lục nhất trong lịch sử. Dự báo tình trạng này vẫn chưa thể dừng lại bởi hiện nay hầu hết những đoạn đường còn lại cũng đã nứt toác, sẵn sàng sụt bất kì lúc nào.

Nguy hiểm hơn, tại đê biển tây - vành đai bảo vệ cho 90.000 ha đất cùng hàng trăm ngàn người dân của vùng ngọt hóa cũng đang "lâm nguy". Từ hơn 4 tháng trước, những đoạn sụt lớn đã xảy ra và đến nay, việc khắc phục chỉ mới dừng lại ở việc bơm bùn vào để giữ chân đê, giảm thiểu việc sụt lún. Còn những điểm đã sụt vẫn chưa được sửa chữa nên nếu mưa đến, nước mặn từ biển tràn vào là điều có thể xảy ra.

Theo lý giải của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, hạn hán kéo dài chính là một trong những nguyên nhân được cho là gây ra tình trạng này.

Từ tháng 11, nơi này không còn mưa, khiến lượng nước ngọt dữ trữ cạn dần, kéo theo đó, lượng nước trong đất cũng bốc hơi, khiến nền đất bị rỗng, tải trọng phía trên liên tục tác động dẫn đến sụt lún.

Cho nên đến thời điểm này, nền đất vẫn chưa thể ổn định. Khi mùa mưa xuống diễn biến còn trở nên khó lường hơn.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu - trường ĐH Cần Thơ cũng cho biết, một nguyên nhân nữa là do việc khai thác nước ngầm quá mức.

Sụt bất đắc kì tử

"Mình ở đây nó sụp cảm giác như mình ở trên núi vậy".

"Sợ lắm, đi cảm giác nó sụt bất đắc kì tử".

"Thấy ngả nghiêng hết, từ cả đường nông thôn".

"Đi đường nhiều vị trí nứt dễ bị lọt té".

Lo sợ có lẽ là tâm lý chung của hầu hết người dân ở vùng sụt lún. Chưa bao giờ họ phải sống trong sự bất an đến thế bởi những rủi ro vẫn rình rập và không biết sẽ xảy ra lúc nào. Cuộc sống nhiều người cũng vì vậy mà bị đảo lộn, đặc biệt là đối với những gia đình sống ngay trên nền đường đã bị sụt.

Ông Nguyễn Văn Tân - xã Trần Hợi - Trần Văn Thời - Cà Mau bày tỏ nỗi khổ hiện nay: "Sống hơn 50 năm ở vùng đất này nhưng chưa bao giờ thấy mọi thứ khó khăn, bị đảo lộn nhiều đến vậy. Ttừ khi nước cạn, ghe bỏ không, không chạy được đi đâu hết, còn đường thì sụt ngay trước cửa nhà".

Hiện nay, hầu hết các tuyến đường giao thông đã bị chia cắt, muốn vận chuyển hàng hóa cũng chỉ có thể đi bằng xe nhỏ, hoặc xe máy. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận tăng chi phí trong khi đây lại là vùng có nguồn hải sản phong phú chuyên vận chuyển đến cho các chợ đầu mối của TP.HCM.

Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 5.

Người dân thồ hàng trên đoạn đường bị chia cắt từng khúc

Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 6.

Từ khi các tuyến đường chính bị sụt lún, bà Võ Kim Phượng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: "Việc kinh doanh của bà và nhiều người ở đây gặp khó vô cùng, bởi nếu đi xe lớn thì không dám đi, lỡ đi ngang bị sụt xuống thì nguy hiểm lắm. nên chọn phương án sang xe, chi phí tăng lên nhiều lần".

Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết thêm: "Hiện nay giao thông thủy tê liệt, chủ yếu dùng đường bộ, mà đường lại hư hỏng hết rồi nên vận chuyển rất khó khăn".

Gần hơn là việc di chuyển qua lại hàng ngày cũng trở ngại. Nếu như trước kia còn có thể dùng đường thủy thay thế, nhưng nay sông rạch cũng đã cạn khô, đến ghe thuyền còn mắc cạn thì cũng chỉ có thể chờ đến mùa mưa.

Đi tìm giải pháp: "Mặn hóa" hay "Ngọt hóa"?

Hàng nghìn điểm sụt lún bất đắc kì tử: Chưa bao giờ khổ như bây giờ! - Ảnh 7.

Hiện nay việc sửa chữa gần như chưa nhiều, chỉ mới dừng lại ở việc bơm bùn tại đê biển tây để giữ chân đê. Còn tại các tuyến đường giao thông gần như vẫn nguyên hiện trạng. Địa phương cho biết, do giao thông chia cắt nên chưa thể đưa vật tư vào. Mặt khác là hiện nay nền đất chưa ổn định, việc sụt lún còn nguy cơ rất cao nên việc sửa chữa nếu không tính toán kỹ sẽ như "công giã tràng".

Trước kia, việc đưa nước mặn vào để tạo phản áp cũng đã được tính đến. Tuy nhiên việc này gây tranh cãi gay gắt. Hiện tỉnh Cà Mau đã gác phương án này còn các nhà khoa học lại cho rằng, đây là phương án tối ưu nhất để Cà Mau giảm thiểu sụt lún như hiện nay.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu - trường ĐH Cần Thơ phân tích: "Bán đảo Cà Mau là vùng ngập nước, là nước mặn, hệ sinh thái của nó là hệ sinh thái nước mặn, đó là tự nhiên, muốn cứu vãn tình trạng kia thì phải trả lại tự nhiên, trả lại nước, các nhà sinh thái, hoặc những người làm ngành nông nghiệp thì chủ trương cho nước biển tràn vào, nhưng làm kiểu đó thì dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau có nguy cơ bị phá sản".

Ông Lê Anh Tuấn cũng cho biết thêm, thực tế ở những vùng nước mặn của tỉnh này, việc sụt lún gần như không xảy ra, thế nên "Mặn hóa" hay "Ngọt hóa" lại tiếp tục là bài toán nan giải của chính quyền nơi đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước