Hôm nay (21/5), tuyên án vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 21/05/2020 06:13 GMT+7

VTV.vn - Dự kiến 8h sáng nay (21/5), Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ tuyên án vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia tại Hòa Bình năm 2018.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình cho rằng đây là vụ án có tổ chức, các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội dưới sự chỉ đạo chủ mưu của ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí, Phó Trưởng ban chấm thi. 145 bài thi trắc nghiệm đã được nâng từ 0,2 - 9,25 điểm cho một môn.

Ông Nguyễn Quang Vinh đang bị đề nghị 7 - 8 năm tù, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù. 

Tuy nhiên, đến trước ngày tuyên án, vẫn còn một số tình tiết trong vụ án này chưa được làm rõ.

Những khúc mắc trong vụ sửa điểm thi tại Hòa Bình: Ai nhờ nâng điểm?

Bí ẩn người nhờ nâng điểm?

Theo cáo trạng, ông Vinh chỉ đạo thuộc cấp nâng điểm cho các thí sinh. Tuy nhiên, việc ông Vinh nhận thông tin thí sinh từ đâu và "nhận nâng điểm hay xem điểm" cho bao nhiêu em thì cả cáo trạng và quá trình xét xử đều chưa làm rõ, trong khi có tới 165 bài thi được nâng điểm

Tại tòa, không phụ huynh nào thừa nhận điều này. Ông Vinh cũng phủ nhận việc nâng điểm hay xem điểm cho các thí sinh

Tương tự, bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) cũng luôn kêu oan, chỉ nhờ xem điểm cho con em của 8 đồng nghiệp trong cơ quan và bị ông Vinh từ chối chứ không nhờ nâng điểm như cáo buộc.

Ba bị cáo kêu oan

Hôm nay (21/5), tuyên án vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Khương Ngọc Chất, Đào Ngọc Thuật đều cho rằng VKS chỉ dùng lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn làm căn cứ buộc tội mà chưa đưa ra các chứng cứ vật chất nên không có cơ sở.

VKS khẳng định đủ căn cứ kết tội và việc này không chỉ dựa vào lời khai của Mạnh Tuấn mà còn có các chứng cứ như lời khai người liên quan, chùm chìa khóa đưa cho Mạnh Tuấn, các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn thu thập từ nhà mạng.

Giáo viên được hưởng lợi khi nâng điểm?

Ba cựu giáo viên THPT là tổ trưởng chấm thi tự luận môn Ngữ văn gồm Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Không kết luận ba người này có hưởng lợi tiền, vật chất nhưng VKS xác định trong khi thực hiện nhiệm vụ họ đã vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân mà can thiệp nâng điểm cho các thí sinh

Một thí sinh bị nâng điểm nhầm?

Hôm nay (21/5), tuyên án vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình - Ảnh 3.

Tại tòa, một phụ huynh khẳng định không chạy, mua điểm nhưng con của phụ huynh này vẫn được nâng 8,2 điểm cho 2 môn. Đối chất, bà Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) thừa nhận đã "tự lấy thông tin thí sinh" để nhờ sửa bài nâng điểm vì thương thí sinh này học không tốt chứ không có mục đích gì khác.

Toàn cảnh vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình

- Ngày 11/7/2018, Bộ GD&ĐT công bố điểm kỳ thi THPT Quốc gia. Chỉ 10 ngày sau, một nhóm giáo viên đã phát hiện những điểm bất thường trong phổ điểm của tỉnh Hòa Bình khi gần 30 thí sinh đạt điểm 9 môn Toán trở lên, chiếm tỷ lệ 0,3%, cao gấp 5 lần mức trung bình của cả nước.

- Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT thành lập 3 tổ chấm thẩm định tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình, rút toàn bộ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên chấm lại nhưng không phát hiện điểm bất thường. Sau đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra.

- Ngày 2/8/2018, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình xác nhận có dấu hiệu bất thường khi chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia tại Hòa Bình.

- Tổng cộng có 65 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 20 bài thi Ngữ văn và 142 bài thi trắc nghiệm, cao nhất lên đến 26,45 điểm/bài thi. Có thí sinh trở thành thủ khoa đại học, nhiều thí sinh vào top cao điểm nhất.

- Bước đầu điều tra, các đối tượng khai nhận đã mở bài thi, sửa lại đáp án đúng, sau đó quét lại tờ kết quả, gửi thông tin về Bộ GD&ĐT.

- Ngày 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 đối tượng đầu tiên. Từ tháng 8 đến tháng 9, cơ quan công an khởi tố, tạm giam thêm nhiều đối tượng là cán bộ thuộc Sở GD&ĐT, cán bộ giáo viên của các trường đã tham gia sửa điểm.

- Ngày 27/11/2019, UNBD tỉnh Hòa Bình ra quyết định cách chức Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Trọng Đắc do để xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

- TAND tỉnh Hòa Bình dự kiến sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 23/3/2020, tuy nhiên, phiên tòa bị tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước