Về vụ việc tại Bình Thuận, Hội đồng chuyên môn kết luận: Trẻ đột tử không rõ nguyên nhân, không thấy dấu hiệu sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine viêm gan B. Trước mắt, Bộ Y tế tạm dừng sử dụng lô vaccine đã tiêm cho trẻ tại Tuy Phong, Bình Thuận và lấy mẫu xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm vaccine và sinh phẩm. Hiện Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ nguyên nhân gây tử vong cho trẻ.
Được biết, lô vaccine viêm gan B đã tiêm tại Bình Thuận không trùng với 2 lô vaccine viêm gan B do Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 sản xuất. Hai lô này đã được tạm ngừng sử dụng sau khi 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị.
Quang cảnh buổi họp báo gồm đại diện Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị. (Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đại diện Hội đồng chuyên môn công bố kết luận). Ảnh: 24h
Về trường hợp 3 trẻ tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B tại Quảng Trị, Hội đồng chuyên môn kết luận sơ bộ: Nguyên nhân tử vong là chùm phản ứng sau tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh, do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan điều tra đã lấy mẫu vaccine, phủ tạng để xét nghiệm tính an toàn và tìm nguyên nhân gây tử vong. Bộ Y tế cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới để gửi mẫu vaccine ra nước ngoài xét nghiệm.
Tại buổi họp, các chuyên gia đã đặt ra vấn đề có nên tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh hay không, các chuyên gia đã đưa ra bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu nên giữ nguyên. Việc tiêm chủng này nhằm bảo vệ cho 3-5% trong tổng số trẻ sinh ra có thể chống đỡ bệnh gây ung thư gan, xơ gan do lây truyền từ mẹ sang con. Hiện tỷ lệ mắc viêm gan B tại Việt Nam chiếm 30%.