Với Hàn Quốc – thị trường lao động chủ lực của nước ta, việc vận động hàng chục nghìn lao động bất hợp pháp hồi hương càng trở nên cấp thiết bởi nếu không thực hiện được công tác này thì rất khó có thể mở cửa lại thị trường Hàn Quốc. Còn bản thân các lao động bỏ trốn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi sống trong tình cảnh bất hợp pháp.
Rủi ro với lao động bất hợp pháp rất lớn. Ngoài việc phải lẩn tránh những vụ truy bắt của cơ quan chức năng nước sở tại, nếu bị bắt, các trường hợp này có thể chịu mức phạt tới 40.000 USD hoặc lao động công ích trong 3 năm rồi bị trục xuất. Bên cạnh đó, các lao động chui không được bảo vệ quyền lợi nếu như bị gặp phải bệnh tật hay tai nạn lao động.
Anh Trần Xuân Hải, quê Thái Bình cho biết: “Bạn tôi lao động bất hợp pháp bị tai nạn ở tay nhưng không được bồi thường gì cả, không có bảo hiểm, phải chờ gia đình gửi tiền sang chữa bệnh và mua vé máy bay để về nước”.
Nguy hiểm khi sống và làm việc bất hợp pháp luôn rình rập nhưng tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn ở mức cao.
Ban quản lý lao động Việt Nam đang tập trung vào việc vận động, thuyết phục 20.000 lao động còn trong hợp đồng để họ không phá hợp đồng và bỏ trốn. Tuy nhiên, việc vận động khó đạt được kết quả.
Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng ban Quản lý Lao động ngoài nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nói: “Chúng tôi chỉ có 3 người, địa bàn Hàn Quốc rất rộng, có tới mấy chục nghìn doanh nghiệp để đi vận động. Vì vậy, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, thuyết phục họ”.
Lao động hồi hương đúng hạn sẽ được hỗ trợ, tạo việc làm cũng như cơ hội được tuyển dụng trở lại Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, việc thuyết phục lao động không bỏ trốn khó có hiệu quả khi mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động bất hợp pháp với mức lương cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới chuyện cứ 2 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc thì có 1 người bỏ trốn.
Ông Hwang Chang Bae, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Lao động nước ngoài Incheon – Hàn Quốc nói: “Đây là một vấn đề khó, một doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, nếu xử lý sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của họ, mặt khác, cơ quan chức năng của chúng tôi vẫn chưa thể có điều luật xử lý doanh nghiệp nếu họ sử dụng lao động bất hợp pháp”.
Hiệp định hợp tác lao động Việt Hàn mới đây đã cho phép 1 số trường hợp có chứng chỉ tiếng Hàn và lao động tuân thủ hợp đồng được sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, các điều khoản của hiệp định khó trở thành hiện thực khi mà công tác kêu gọi lao động hồi hương chưa hiệu quả và cơ quan chức năng của Hàn Quốc chưa kiên quyết với các doanh nghiệp đang sử dụng lao động bất hợp pháp.