Kiên định cơ cấu lại nền kinh tế

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 02/08/2018 18:04 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu liên tục của mỗi nền kinh tế. Chính vì vậy, cần phải kiên trì và kiên định thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn này.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra sáng nay (2/8).

Đây là lần đầu tiên Chính phủ có cái nhìn tổng thể và đồng bộ sau gần 3 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Với 120 nhiệm vụ tái cơ cấu ở 3 lĩnh vực trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư và đầu tư công và thị trường tài chính. Cùng với 3 ngành là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Cho dù ngay từ đầu nhiệm kỳ này, dư địa quá chật hẹp do nợ công đã đến mức giới hạn nên không thể huy động thêm vốn để tăng đầu tư phát triển, nhưng nhờ tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nên kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát, trong khi đó bội chi ngân sách giảm, nợ công dưới giới hạn cho phép. Doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh tái cơ cấu và thể chế kinh tế được hoàn thiện, tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt tốc độ cao nhất trong 11 năm. Động lực cho tăng trưởng chủ yếu là từ công nghiệp chế biến, chế tạo và nhiều ngành phát huy được thế mạnh nhất là nông nghiệp và du lịch, trong khi khai khoáng giảm. Đánh giá chung đã có gần 17% trong 12 nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả rõ ràng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có tới 18 tỉnh, thành và 3 Bộ chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ở cấp độ Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu, cơ cấu lại nền kinh tế thì phải phát huy vai trò của Nhà nước và cả thị trường. Bởi thị trường có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn, do đó nhiệm vụ lớn nhất là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, vai trò của pháp luật, thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định và chính thể chế, chính sách, pháp luật, cũng sẽ tạo ra động lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế.

Về động lực cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh khu vực kinh tế tư nhân, các Hiệp định thương mại tự do và khoa học - công nghệ cũng phải tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, đi cùng với thúc đẩy đô thị hóa.

Để hoàn thành 120 nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2020. Đồng thời hướng dẫn và đôn đốc các bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá cho từng đề án của các bộ, ngành thực hiện, chứ không nói chung chung. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đi cùng với thí điểm hình thành một số cụm ngành công nghiệp. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao đẩy mạnh đổi mới nông lâm trường quốc doanh và phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu xử lý vấn đề lao động nữ trên 35 tuổi, vì đây là vấn đề lớn. Nếu không tái cơ cấu ngành nghề và đào tạo lao động thì sẽ thất bại trong giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước