Làng… khói bụi

Quý Thông-Thứ sáu, ngày 12/07/2013 10:00 GMT+7

 Nhiều làng nghề phát triển đã đem lại sự ổn định về thu nhập cho người dân và kinh tế địa phương nhưng đã bỏ qua những yếu tố về ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người.

Nhà ông Đinh Công Tới xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng, ngày nào cũng phải quét nhà ít nhất 3 lần trong một ngày. Điều này dường như đã trở thành thói quen của nhà ông trong nhiều năm qua.

Không chỉ bị ô nhiễm về không khí môi trường sống, mà hiện nay ngay cả nguồn nước của các hộ dân ở xã Mỹ Đồng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các cơ sở đúc thép, đúc đồng trong làng.

“Chúng tôi ở đây khổ lắm! Ngày nào mưa còn đỡ, còn trời nắng mùi khét và khói bụi không thể chịu nổi”, ông Tới phàn nàn.

‘ Nghề đúc đồng ở huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Hải Phòng. (Ảnh: Báo Hải Phòng)

Ngày nào cũng vậy, ở xã Mỹ Đồng, tiếng ồn từ các xưởng đúc thép, đúc đồng là một thứ đặc trưng không làng quê nào sánh được. “Làng quê ở đây ô nhiễm, tiếng ồn làm chúng tôi ù cả tai, chịu không nổi”, bà Nguyễn Thị Túc - người dân Mỹ Đồng than thở.

Được biết, làng nghề Mỹ Đồng đã được quy hoạch ra khu công nghiệp sản xuất tập trung từ 3 năm nay, thế nhưng mới chỉ có hơn 20 cơ sở di dời ra khỏi khu dân cư, hiện vẫn còn hơn 90 hộ sản xuất trực tiếp tại đây. Vì vậy, việc để xảy ra ô nhiễm môi trường là điều khó có thể tránh khỏi.

Biết môi trường sống đang ngày một bị đe doạ, nhiều hộ sản xuất cũng rất muốn di dời ra khu công nghiệp, nhưng vấn đề kinh phí luôn là một rào cản rất lớn đối với người dân. “Ai cũng muốn rộng rãi, ai cũng muốn không ô nhiễm, nhưng mà để di dời chúng tôi phải có tiền. Nhưng ra nơi mới chúng tôi lại phải trang bị cơ sở máy móc, đâu phải đơn giản cứ có đất là giải quyết được đâu”, anh Trịnh Xuân Kiên - một người dân khác bộc bạch.

Một lý do nữa khiến các cơ sở làng nghề chậm di dời khỏi khu dân cư đó là việc đầu tư kinh phí cho giai đoạn xử lý môi trường hiện chỉ ở mức rất nhỏ, khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm. Do đó, ở làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng hiện vẫn chưa có cơ sở xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Đây là vấn đề nan giải mà lãnh đạo huyện Thủy Nguyên chưa giải quyết trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ Tịch UBND huyện Thủy Nguyên bày tỏ: “Chức năng của huyện cũng chỉ ở mức giới hạn, để có hệ thống làm cho môi trường đảm bảo an toàn phải có sự giúp đỡ của thành phố và các cấp, các ngành”.

Có thể thấy rằng, hiện nay trong khi các cấp chính quyền chưa thể đầu tư cho việc bảo vệ môi trường các làng nghề, vai trò của người dân sẽ là hết sức quan trọng. Có lẽ, trước khi quy hoạch làng nghề, TP Hải Phòng cần phải làm cho người dân và chính quyền các làng nghề nhận thức được rằng, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của gia đình và tương lai của con cháu họ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước