Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Việc làm

Thu Trà-Thứ tư, ngày 19/06/2013 17:57 GMT+7

 Sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường đã thảo luận về dự thảo Luật Việc làm.

Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Việc làm, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, đồng thời để thể chế hóa quan điểm của Đảng đó là “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã tán thành với đề xuất của Chính phủ khi chuyển các qui định về Bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang qui định trong dự án Luật Việc làm và cho rằng điều này sẽ không làm thay đổi mô hình tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý quỹ, cũng như triển khai thực hiện chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp.

Một số đại biểu cũng đã bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo khi mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần phải có qui định cụ thể hơn để khuyến khích tạo nguồn, nhằm đảm bảo cân đối thu chi của quĩ Bảo hiểm thất nghiệp.

‘ Ảnh: VTV News

Bà Lê Thị Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ phát biểu: “Trong thời gian tới, việc mở rộng tham gia đối tượng Bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là một bước đột phá lớn. Mặt khác, khi mở rộng đối tượng cần bổ sung thêm hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia lao động thất nghiệp. Điều này nhằm duy trì việc làm cũng như điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ đào tạo, tư vấn đối với người lao động theo hướng mở thuận lợi hơn. Vấn đề bài toán về quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được xem xét kỹ, nhằm cân đối thu chi trong điều kiện nguồn kinh phí Nhà nước giảm đi”.

Ông Mã Điền Cư, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng cho ý kiến:“Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội mới chỉ hỗ trợ cho người lao động bị thất nghiệp, chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì việc làm nhằm ngăn chặn hạn chế thất nghiệp. Tôi tán thành với phân tích của Tờ trình Chính phủ cho rằng: Mục tiêu của Bảo hiểm thất nghiệp khác biệt so với Bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn, mục tiêu quan trọng nhất của Bảo hiểm thất nghiệp là nhằm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để sớm tìm được việc làm; đồng thời có hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động trong thời gian thất nghiệp. Còn Bảo hiểm xã hội trong đó trụ cột chính là Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm dài hạn, mục tiêu chính là sự bảo đảm, thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi về hưu”.

Có một chính sách mới được quy định đó là chính sách về việc làm công, theo giải trình của Bộ LĐ-TB&XH đây là chính sách đã được triển khai song chưa được quy định trong luật và đây là lần đầu tiên được luật hóa. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn cho rằng, đây là một chính sách rất nhân văn hướng tới các lao động không có quan hệ lao động và đang tìm việc làm, tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị phải làm rõ hơn để biết người lao động được hưởng ưu đãi gì trong chính sách này.

“Hiện nay chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đang sử dụng nhiều thiết bị máy móc, cơ giới, người lao động cũng ít có cơ hội để tìm việc làm trong chương trình này. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm của chủ quản lý chương trình hay mức hỗ trợ, nguồn hỗ trợ, thời gian hỗ trợ để người lao động biết mình được hưởng gì trong chính sách việc làm công”, bà Nguyễn Thúy Hoàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nói.

Ngoài ra, tại hội trường các đại biểu cũng đề nghị làm rõ các nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách được quy định trong dự thảo Luật, cũng như việc lồng ghép giới trong một số chính sách cụ thể. Bổ sung quy định thông tin thống kê về thị trường lao động phải được tách biệt theo giới tính.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước