Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, nếu khoảng 10-15% diện tích lúa bị dịch bệnh thì nước ta sẽ ngừng xuất khẩu gạo và trên 30% diện tích lúa bị dịch bệnh chúng ta sẽ phải nhập khẩu gạo từ nước ngoài. Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn “Phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường” diễn ra chiều nay (28/11).
Tại diễn đàn này, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến dịch hại cây trồng ngày một gia tăng, vì vậy số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp tăng lên hàng năm. Trong vòng 10 năm gần đây, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tăng 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng 4,5 lần với đỉnh điểm là năm 2012, tổng khối lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu là 105.000 tấn.
Nguyên nhân chính là do những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thuốc trừ bệnh hại và thuốc trừ cỏ tăng lên hơn 30% vì dịch bệnh và tăng diện tích gieo sạ, diện tích trừ cỏ nhất là ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà quản lý nông nghiệp cũng đã thảo luận và đưa ra những giải pháp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn như: khuyến khích người nông dân sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc có chất lượng, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình canh tác lúa cải tiến, sản xuất cây trồng an toàn...
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.