Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội khóa XII thông qua từ năm 2010. Luật quy định khá đầy đủ các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, chế tài để xử lý các hành vi vi phạm vẫn được cho là chưa đủ sức răn đe, hoặc ít khả thi, do đó, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Nếu như cả năm 2016, cả nước phát hiện hơn 50.000 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thì chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số vụ vi phạm đã là hơn 40.000 vụ.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm đã gia tăng đột biến trên toàn quốc với nhiều hình thức vi phạm khác nhau. Trong đó nổi bật là các hành vi liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép; đặc biệt là rượu giả, rượu có methanol. Không chỉ tại các miền quê hay vùng xa xôi, hẻo lánh, thực phẩm bẩn còn được sản xuất, chế biến và bày bán ngay tại Thủ đô Hà Nội.
Tại các chợ dân sinh, nơi phân phối phổ biến nhất các loại thực phẩm tươi sống, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang bị bỏ ngỏ, bởi nguồn gốc, chất lượng của các mặt hàng được bày bán tại đây khó có thể kiểm soát. Còn người tiêu dùng chỉ biết dựa vào niềm tin và cảm quan khi mua hàng.
Theo các cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm gia tăng. Nhưng một trong những nguyên nhân căn bản là do quy định về chế tài còn chưa phù hợp với thực tiễn xã hội, khiến việc thực thi nhiều khi còn bế tắc hoặc buộc phải áp dụng những điều khoản chưa đủ sức răn đe. Chưa kể, nhiều quy định còn chưa rõ ràng và cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!