Thêm tư liệu chứng minh chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa

Ngọc Hà-Thứ ba, ngày 03/06/2014 19:31 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu các bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa. (Ảnh: Baotintuc)

Hơn 100 tấm bản đồ được chọn lọc trong bộ sưu tập cá nhân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được Đại học Quốc gia TP.HCM trưng bày tại triển lãm đều có chung một tiếng nói, đó là Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Triển lãm “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa- Trường Sa” khai mạc sáng nay (3/6), tại TP.HCM đã góp phần làm sáng tỏ thêm những chứng cứ lịch sử, chứng minh chủ quyền đất liền và hải đảo của Việt Nam đã được quốc tế công nhận, để từ đó mang tới cho người xem một cái nhìn chính xác hơn về chủ quyền đất nước. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam” tại TP.HCM.

Hơn 100 tấm bản đồ được chọn lọc trong bộ sưu tập cá nhân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được Đại học Quốc gia TP.HCM trưng bày tại triển lãm đều có chung một tiếng nói, đó là Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Ngay cả tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Trung Quốc xuất bản năm 1904, dưới Triều Thanh, thì điểm cực Nam của lãnh thổ nước này chỉ đến đảo Hải Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết: “Tất cả các bản đồ chính thức của Trung Quốc đều là tận cùng là đảo Hải Nam. Còn những bản đồ của Việt Nam như Đại Nam thống nhất toàn đồ 1838 có vẽ đất nước Việt Nam có Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa. Bản đồ chính thức đó của triều đình, của nhà Vua đã coi qua bây giờ mới được công bố thì bản đồ ấy thích hợp với lại các bản đồ quốc tế nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa họ gọi là Paracel là của An Nam, của Việt Nam”.

Sớm hơn nữa, các bản đồ cố do các nhà hàng hải, các thương thuyền lớn vẽ lại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 đã xác định Paracel hay Pracel (tức Hoàng Sa) ở duyên hải Quảng Ngãi thuộc chủ quyền Giao Chỉ giáp nước Tần (tức Trung Quốc).

Trong “An Nam đại quốc họa đồ” do Taberd ấn hành tại Ấn Độ, tại thời điểm xuất bản vào năm 1838 thì nước ta chưa từng có một bản đồ rộng và ghi chép khá đầy đủ các địa danh như họa đồ này. Trong đó, Taberd đã ghi chép khá đầy đủ về Bãi Cát Vàng Paracel thuộc về An Nam.

GS,TS Nhà giáo Nhân dân Ngô Văn Lệ, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nói: “Các nhà hàng hải quốc tế họ đến đây vào các thời điểm khác nhau và trên cơ sở cứ liệu mà họ nghiên cứu, cũng như thực tiễn người ta đã vẽ cái bản đồ đó khẳng định cái quá trình xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam. Người Trung Quốc trước đây, mặc dù là một thời gian dài Trịnh Hòa có làm một cuộc hành trình dài ở biển nhưng mà chưa thấy, và chưa có lúc nào nói tới Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Việt kiều Canada, khách tham quan Triển lãm chia sẻ: “Từ thế kỷ 15, 17 đến bây giờ thấy người phương Tây vẽ rất khách quan, người ta vẽ đường ranh rất rõ. Ít nhất là Hoàng Sa từ thời nhà Nguyễn đã có rồi. Trường Sa không có nước ngọt, người ta chỉ rẽ ngang thôi nhưng mà có ghi rõ ràng trên sách sử rất là rõ. Từ trên bản đồ, chúng ta có những luận cứ và có những dấu vết rất rõ chứ không mơ hồ như Trung Quốc”.

Hàng trăm các họa đồ, bản đồ được hình thành vào các thời kỳ trải dài theo lịch sử dân tộc, những ghi chép sử ký, cùng các văn bản có tính chất công vụ nhà nước tại triển lãm này đã chứng minh về thực tế quản lý trên thực địa của bộ máy nhà nước thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Hậu Lê, thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, và đặc biệt là dưới triều Nguyễn, thời Pháp thuộc và từ năm 1945 đến nay đã làm rõ hơn, sống động hơn về cương vực của đất nước Việt Nam. Và đây sẽ là những tư liệu sinh động xác thực để Việt Nam khẳng định vị thế trong quá trình xử lý tranh chấp hiện nay theo công pháp quốc tế.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 8/6/2014, tại TP.HCM.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước