Tại hội thảo, bức tranh người nông dân Việt Nam đã được khắc họa khá toàn diện với các số liệu và thông tin cập nhật nhất về tất cả các lĩnh vực. Qua đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đề xuất giải pháp để người nông dân thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo, thu nhập của một nông dân vẫn ở mức rất thấp (chỉ khoảng 1.400.000 đồng/tháng). Có tới 50% hộ phải vay nợ, tỷ lệ nghèo nông thôn dù vẫn giảm nhưng tốc độ chậm lại trong thời gian gần đây. Giai đoạn 2010-2012 có khoảng trên 500.000 hộ nông thôn tái nghèo.
Nhiều diễn giả cho rằng, nghèo không chỉ đơn thuần là đánh giá về mặt chi tiêu, thu nhập mà cả về vấn đề tiếp cận giáo dục, văn hóa và an sinh xã hội. Việc tăng giá của các dịch vụ y tế, giáo dục gây sức ép lớn đối với hộ nông thôn. Có khoảng 15% số hộ đã phải giảm chi tiêu lương thực thực phẩm trong giai đoạn 2006-2012.
Một trong những điểm nổi bật qua các báo cáo nghiên cứu là hiện nay nông dân đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về thị trường, thiên tai và khả năng phục hồi cũng thấp, trong khi hỗ trợ từ bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Vì vậy sẽ giảm bớt rủi ro cho người nông dân khi có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế và phát huy chủ thể của người nông dân.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho rằng: “Quan trọng nhất là làm sao quy tụ nông dân vào nhóm. Trong các hoạt động nông sản phải phát triển hiệp hội ngành hàng, biến họ thành Ban điều hành và để họ hoạt động độc lập, trong đó có cả đại diện Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và các bên liên quan để họ có thể tham gia vào hoạch định chính sách, tham gia xây dựng chiến lược quy hoạch, tham gia quản lý đầu vào đến đầu ra sản phẩm, tham gia vào các chương trình Nhà nước muốn hỗ trợ cho nông dân.
Tuy nhiên, Nghiên cứu từ Viện chính sách Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho thấy, có nhiều điểm sáng trong bức tranh nông thôn Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới. Thu nhập của người nông dân còn thấp nhưng đã tăng lên gần 44%, tỷ lệ nhà tạm đã giảm từ 16% năm 2008 còn 7% năm 2010. Khoảng cách chi tiêu y tế cũng giảm dần giữa nông thôn và thành thị , số người đủ tiền khám chữa bệnh đã tăng lên.
Xây dựng bức tranh chân dung của nông dân chân thực sẽ là cơ sở để hoạch định chính sách cho sát với thực tiễn. Làm thế nào để đời sống và thu nhập của nông dân thay đổi theo hướng tích cực, bền vững vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 26 và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.