Phát biểu tại phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại nhân tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị Tham tán thương mại 2013 diễn ra sáng nay (17/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại thời gian tới phải bám sát nhiệm vụ củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vào mục tiêu phát triển đất nước.
Đây là lần thứ 2, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại nhằm đánh giá sát thực trạng hội nhập quốc tế và hợp tác kinh tế đối ngoại phục vụ các nhiệm vụ tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược, đề ra các giải pháp tiếp tục mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu lao động, chuyển giao công nghệ, đưa Việt Nam tham gia thực chất vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực ở tầng nấc cao hơn, hiệu quả hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cần tác động tiêu cực đến đất nước.
Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung của công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại là quán triệt, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường hòa bình, hữu nghị, gắn lợi ích đất nước với lợi ích chung của khu vực và thế giới; góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ thời cơ để phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại trước hết cần đặc biệt quan trọng tới công tác mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tranh thủ các Hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương để tiếp tục đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.
Dẫn ví dụ về quá trình Việt Nam đang đàm phán TPP, Thủ tướng cho biết, nếu mở cửa hàng hóa khi tham gia TPP thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi và có thể sẽ đạt kim ngạch tới mức 40tỷ đô la Mỹ và giải quyết việc làm cho 6 triệu lao động trong vài năm tới.
Thủ tướng cũng lưu ý trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, đàm phán với liên minh thuế quan Nga- Kazakhstan và Belarus, đàm phán với Hàn Quốc, và đặc biệt trong đàm phán TPP đòi hỏi mỗi cán bộ ngoại giao và tham tán thương mại khi đàm phán phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, trong đó có chú ý tới cân bằng lợi ích giữa các bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ngành ngoại giao cần tập trung mạnh vào tìm kiếm cơ hội, thu hút FDI; đưa công nghệ mới vào sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... Tiếp tục vận động ODA cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cho giảm nghèo, cho biến đổi khí hậu...
Thủ tướng yêu cầu các ngành tiếp tục phát huy mạnh mẽ kết quả hội nhập quốc tế để phục vụ cho hội nhập kinh tế; xây dựng lòng tin; tăng cường tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau với các đối tác; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong hội nhập quốc tế, Thủ tướng lưu ý ngành ngoại giao tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa đến hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ... đồng thời quan tâm làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài.