Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. (Ảnh: VGP)
Tiếp tục chương trình Công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, hôm nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, huyện biên giới khó khăn đang chuẩn bị cho việc chia tách địa giới hành chính và có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai nhằm giải quyết một số kiến nghị về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với Chính phủ.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe báo cáo về tình hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như các kiến nghị quan trọng của tỉnh đối với Chính phủ.
Là một địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, Gia Lai có diện tích hơn 250.000 hecta cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu, chè và mía; rừng và đất rừng lớn, chiếm 52% diện tích tự nhiên; công nghiệp chế biến phát triển và xuất khẩu đạt kim ngạch khá. Tuy nhiên, theo đánh giá, do cơ sở hạ tầng yếu kém nên điều kiện phát triển gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn trung bình cả nước, toàn tỉnh vẫn còn hơn 17% hộ nghèo, trong đó 83% hộ nghèo tập là đồng bào dân tộc thiều số.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn của Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung và nhấn mạnh địa phương cần năng động, sáng tạo, đồng thời phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển đi lên.
Thủ tướng hết sức lưu ý Gia Lai, với tỷ lệ hộ nghèo còn rất lớn, mà chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới… đồng thời triển khai một cách thiết thực, cụ thể để giảm nhanh hơn nữa hộ nghèo. Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ này không chỉ là vấn đề kinh tế, mà đây là nhiệm vụ chính trị, là sự phát triển bền vững.
Trong các nhiệm vụ phải triển khai đồng bộ trong năm 2014 cũng như các năm tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Gia Lai cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tập trung thu hút đầu tư nhằm đạt tăng trưởng cao hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, cũng như xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới.
Tại Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới dự Lễ khánh thành mô hình tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam. Một hoạt động nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Trước đó, trong sáng nay, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm huyện Sa Thầy và xã Mô Rai, một xã và cũng là một huyện biên giới có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước và đang chuẩn bị cho Đề án chia tách huyện để thành lập huyện mới. Phát biểu với đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các đơn vị trên địa bàn huyện, Thủ tướng cho biết, Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ướng đã xem xét , cho ý kiến về Đề án chia tách huyện Sa Thầy với yêu cầu chia tách phải giúp cho việc khai thác tiềm năng lợi thế, cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng được tốt hơn, giúp cho sản xuất phát triển, bố trí lại dân cư, giảm nghèo nhanh, và đời sống của nhân dân được nâng cao.
Đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cũng như Đảng bộ, chính quyền huyện Sa Thầy trong những năm qua trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng quân dân trong toàn huyện sẽ tiếp tục tạo nên những thành quả mới, đóng góp chung cho sự phát triển nhanh, bền vững của Kon Tum, Tây Nguyên cũng như cả nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới dự Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập 3 xã mới và ra mắt bộ máy lâm thời 3 xã Ia Dom, Ia Tơi và Ia Dal thuộc huyện Sa Thầy.