Thuê người chặt tay chân để trục lợi - Dại dột "mất cả chì lẫn chài"

Minh Đức-Thứ tư, ngày 24/08/2016 13:15 GMT+7

VTV.vn - Trong vụ việc tự thuê người chặt tay chân để trục lợi, kẻ chủ mưu có thể không bị xử lý hình sự nhưng người được thuê sẽ bị truy tố vì tội cố ý gây thương tích.

Trong đêm 5/5, cơ quan chức năng tại quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo có một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Hà Đông - Phú Diễn. Nạn nhân là chị L.T.N, 30 tuổi trú tại huyện Phúc Thọ - Hà Nội. Tường trình tại cơ quan điều tra, L.T.N cho biết, do buồn chuyện gia đình nên đã đi lang thang và bị đoàn tàu hút vào dẫn đến tai nạn, khi đó có một thanh niên đi ngang qua đã cứu sống chị và trình báo lên cơ quan chức năng.

Tại hiện trường vụ tai nạn, nạn nhân đã bị đứt rời 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Lực lượng công an đã nhanh chóng đưa chị L.T.N đi cấp cứu tại bệnh viện 198.

Được biết, chị N đã mua 3 gói bảo hiểm nhân thọ trước đó. Nếu vụ tai nạn được xác minh trót lọt, người phụ nữ này sẽ được hưởng 3 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều điểm nghi vấn trong vụ tai nạn. Sau 3 tháng điều tra, lực lượng công an đã xác định chị N và người thanh niên đến trình báo tại Công quan quận Bắc Từ Liêm về vụ tai nạn có quen biết nhau. Biết không thể thực hiện được hành vi lừa đảo, chị N đã đến cơ quan công an, thừa nhận hành vi thuê người thanh niên chặt tay chân của mình để có thể được thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó.

Thuê người chặt tay chân để trục lợi - Dại dột mất cả chì lẫn chài - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc xảy ra trong đêm 5/5 (Ảnh: ANTĐ)

Trên thế giới, đã có rất nhiều vụ việc người mua bảo hiểm tự dàn cảnh gặp nạn để gian lận, chiếm đoạt tiền công ty bảo hiểm. Nhưng tại Việt Nam, dư luận chấn động bởi một người phụ nữ tự tạo hiện trường tai nạn nghiêm trọng nhằm "cuỗm" số tiền bảo hiểm lên đến 3 tỷ đồng.

Nhận định về vụ việc, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico) cho biết: "Lần đầu tiên tại nước ta có một vụ việc trục lợi tiền bảo hiểm chấn động đến như vậy. Tôi không rõ nếu chị N thực hiện hành vi này để chiếm đoạt số tiền để làm gì, nhưng hủy hoại bản thân đến mức như vậy, dù có tiền cũng không thể sống hạnh phúc được, đây là hành động vô cùng dại dột".

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm: "Mục đích chiếm đoạt số tiền bảo hiểm của chị N vì chưa thực hiện được nên chưa đến mức khép vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù hành vi tự gây thiệt hại về sức khỏe của bản thân nhằm trục lợi tiền bảo hiểm của chị N có dấu hiệu của tội gian lận trong kinh tế bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành, do đó không thể áp dụng điều luật này để xử lý chị N".

Trong vụ việc, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết, người thanh niên được thuê để gây thương tích cho chị N cũng đã vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích. Dù được chính nạn nhân thuê hay có bất cứ mục đích nào khác, hành vi gây thương tích cho chị N vẫn là trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác. Kết quả giám định của cơ quan chuyên môn về tỷ lệ thương tật chị N sẽ là căn cứ xử lý đối tượng, nếu thương tật của chị N trên 11%, người gây ra thương tích có thể bị phạt tù 3 năm, nếu trên 30% có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Điều 104 BLHS quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước