Thay mặt Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 khẳng định: Gánh vác trọng trách lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã làm việc không ngừng nghỉ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phát huy mọi khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm để góp phần xây dựng nên bản Hiến pháp thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tuyệt đại đa số tán thành, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, đóng góp vào sứ mạng chung của dân tộc, tạo nền tảng cùng đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các vị đại biểu Quốc hội, Ban Biên tập, tổ giúp việc đã làm việc rất trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khoa học, lắng nghe, tiếp thu và chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đất nước để xây dựng nên bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công sức, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thành viên Ban biên tập và Tổ giúp việc đã hoàn thành trọng trách mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó. Tổng bí thư nêu rõ: Việc triển khai hoạt động sửa đổi Hiến pháp tuy được tiến hành trong thời gian ngắn, lại diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp những khó khăn, nhưng với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn và quan trọng để trình Quốc hội thông qua bản Hiến pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta. Vì vậy, sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng là tổ chức việc triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tổng bí thư đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp đồng bộ, thống nhất và hiệu quả để kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp.