Vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà đất phải sâu hơn

VTV Online-Thứ sáu, ngày 13/06/2014 14:50 GMT+7

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ Trưởng Bộ Xây dựng trong chương trình Đối thoại chính sách, việc phát triển nhà ở thiếu kế hoạch, phát triển cục bộ, lượng nhà tương đối nhiều, trong khi đó nhiều người dân lại không có nhà ở. Từ thực tế cho thấy, một điều quan trọng là vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà đất phải sâu hơn, mạnh mẽ hơn.

Về vấn đề nhà ở cho người dân, Hiến pháp 2013 đã ghi rõ tại điều 22, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Tại điều 59 ghi tiếp, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở. Nhưng cho đến thời điểm này, việc hiểu chính xác và thực thi hai điều này vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình.

Lâu nay, câu chuyện về nhà ở cho người thu nhập thấp đã trở thành đề tài được quan tâm bởi nhiều người. Một vấn đề đặt ra là nhiều người có thu nhập trung bình cũng chưa chắc đã có nhà, chứ chưa nói những người có thu nhập thấp. Theo đó, câu hỏi được nhiều nhà phân tích đưa ra đó là vai trò của Nhà nước trong vấn đề này nằm ở đâu? Đó sẽ là chủ đề chính được các khách mời của Đối thoại chính sách đưa ra bàn luận trong tuần này.

Khách mời của chương trình Đối thoại chính sách tuần này gồm: Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc, bà Vũ Thị Vinh - Tổng thư kí Hiệp hội các đô thị Việt Nam.

Tại kì họp thứ 7, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận những chính sách có liên quan tới việc tiếp cận nhà ở cho người dân mà cụ thể trong luật sửa đổi bổ sung về nhà ở. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất của việc sửa đổi lần này đó là nhằm thể chế hóa các quy định đã được Quốc hội nêu ra trong Hiến pháp 2013 về quyền sở hữu nhà ở của công Việt Nam.

“Việc sửa đổi luật nhà ở trong phiên họp lần này sẽ cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước được xác định trong thời kì đổi mới, đó là nền kinh tế nước ta sẽ chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩ. Vì vậy, với lĩnh vực nhà ở, chúng ta cũng phải thể hiện được quan điểm: Một mặt chúng ta phải giải quyết vấn đề nhà ở của người dân trước hết theo kinh tế thị trường, khuyến khích phát triển nhà ở của mọi thành phần kinh tế và bản thân mỗi hộ gia đình để phục vụ cho hộ gia đình ca nhân có khả năng tài tính thanh toán.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải quan tâm, chú ý và đặc biệt tạo điều kiện để phát triển các loại hình nhà ở đô thị cũng như nông thôn để hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, gia đình nghèo thu nhập thấp và các đối tượng trong xã hội cũng có điều kiện tiếp cận với nhà ở”, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ Trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

‘ Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Trong khi đó, đánh giá về việc thực hiện những chính sách của Nhà nước về nhà ở cho người thu nhập thấp và thu nhập trung bình, bà Vũ Thị Vinh - Tổng thư kí Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, dù còn nhiều hạn chế nhưng những chính sách được Nhà nước đưa ra đã phần nào đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Vinh khẳng định, trong vấn đề về này, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không có nghĩa vụ bảo hộ hay cung cấp nhà ở cho người dân. “Trong Hiến pháp của Nhà nước và Quốc hội vừa thông qua năm 2013 đã đưa ra qui định mọi người dân đều có quyền có nhà ở hợp pháp. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Nhà nước phải bảo hộ, cung cấp nhà ở cho người dân. Nhà nước chỉ giữ vị trí tạo điều kiện cho mỗi gia đình có điều kiện xây dựng nhà ở. Đó chính là sự kết hợp giữa định hướng thị trường và xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực hiện”, bà Vũ Thị Vinh nói.

Đồng quan điểm với bà Vinh, ông Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc cho rằng, Nhà nước không đứng ra xây nhà ở cho những người nghèo, người thu nhập thấp, mà nhà nước tạo ra các khung chính sách, tạo điều kiện bằng công cụ thuế, bằng công cụ chiến lược đất đai.

“Thị trường nhà ở thực sự có hiệu quả cần có 5 yếu tố cơ bản: đất đai, hạ tầng, tài chính, ngành công nghiệp xay dựng và lao động. Xung quanh đó là các vấn đề thể chế về nhà ở. Nếu viên kim cương đó đều tròn chặn thì thị trường nhà ở đang thực sự minh bạch. Tuy nhiên, chúng ta đang chuyển hóa sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chính cơ chế này đang có những bất cập về vấn đề đất đai”, ông Nguyễn Quang chia sẻ.

Cùng với những vấn đề khó khăn trên, ông Nguyễn Quang cũng đưa ra một số gợi ý cho sự thay đổi các chính sách về nhà ở, trong đó tập trung chủ yếu vào việc huy động sức mạnh của toàn dân: “Chúng tôi khuyến khích xây dựng quan hệ đối tác giữa cộng đồng, đó là cách để huy động sức mạnh toàn dân, chính quyền địa phương thông qua đó có thể huy động nguồn lực từ cộng đồng và chính người dân sẽ phải tham gia vào vấn đề này”, ông Nguyễn Quang nói.

Cùng với các vấn đề chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, gia đình có thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà ở, luật sửa đổi bổ sung lần này còn hướng tới mục địch điều chỉnh giá cả thị trường hiện nay - một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới việc có nhà ở của người dân. Đây cũng là phát biểu của ông Nguyễn Trần Nam - Thứ Trưởng Bộ Xây dựng trong chương trình Đối thoại chính sách tuần này.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, việc phát triển nhà ở thiếu kế hoạch, phát triển cục bộ, lượng nhà tương đối nhiều, trong khi đó nhiều người dân lại không có nhà ở. Từ thực tế cho thấy, một điều quan trọng là vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà đất phải sâu hơn, mạnh mẽ hơn. Hàn Quốc là một điển hình cho sự quản lý chặt chẽ về thị trường nhà đất.

Một thực tế chúng ta phải nhận thấy rằng đang có sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận nhà ở của người dân và luật nhà ở cần phải được sửa đổi để các chủ thể tham gia, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cá nhân và cộng đồng dân cư có một công cụ để thực hiện tinh thần của hiến pháp đó là – mọi công dân đều có quyền có nhà ở phù hợp. Và đó cũng chính là những điều sẽ được đưa ra thảo luận công khai tại kì họp thứ 7 của Quốc hội lần này.

Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu vấn đề sửa đổi luật nhà ở trong chương trình Đối thoại chính sách qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước