Tính đến 13h ngày 5/11, theo thống kê từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đã có ít nhất 29 người chết; 29 người mất tích. Về nhà cửa, 626 nhà bị sập. Về sản xuất nông nghiệp, 4.425 ha lúa, 25.212 ha hoa màu bị ngập, hư hại. Về thủy sản, 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng; 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.
Về thiệt hại tàu hàng ở Bình Định, có 10 tàu hàng bị tai nạn với tổng số người 99 người: hiện đã cứu được 71 người, tìm thấy thi thể 04 người, còn lại 24 người mất tích đang tích cực tìm kiếm.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ ngành đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với bão; Thủ tướng Chính phủ đã 02 Công điện chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ; cử Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; họp trực tuyến (10 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận) để chỉ đạo bổ sung các giải pháp khẩn cấp công tác ứng phó với bão số 12; Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền để triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, các tỉnh ven biển đã kêu gọi, hướng dẫn tránh trú, neo đậu an toàn cho 62.714 tàu/301.004 lao động và 3.277 lồng bè/9.362 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động phòng, tránh; Tổ chức sơ tán 8.516 hộ/35.168 người tại các vùng có nguy cơ cao, nhà không đảm bảo đến nơi an toàn (Phú Yên: 1.404 hộ/6.222 khẩu; Khánh Hòa: 4.601 hộ/18.761 khẩu; Ninh Thuận: 2.511 hộ/10.185 khẩu).
Theo đó, một số kết quả tích cực đã đạt được ghi nhận như tổ chức tốt công tác thông tin, kêu gọi, hướng dẫn hàng ngàn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Công trình phòng chống thiên tai đê điều, hồ đập đến nay được kiểm soát, vận hành đảm bảo an toàn; Hệ thống giao thông không xẩy ra ách tắc lớn trên diện rộng do đã chủ động tổ chức phân luồng, điều tiết trước khi bão đổ bộ; Tình hình an ninh trật tự trước, trong, sau thiên tai được đảm bảo. Công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tác động mạnh mẽ đến sự chủ động của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng, xã hội và người dân ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại.
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề ở TP Nha Trang.
Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 12 gây ra là rất nặng nề. nhận định về nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người, tài sản, đại diện của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho hay.
Về nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người do đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế. Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn. Lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển.
Về nguyên nhân gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, tàu thuyền, theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mức bảo đảm thiết kế của công trình đê điều, hệ thống điện, thông tin thấp hơn cường độ bão xảy ra. Nhiều khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão bất cập, quá tải, không đủ cho các tàu thuyền vào tránh trú, đặc biệt là tàu vãng lai, tàu vận tải. Thông tin, kiểm soát tàu thuyền vận tải ở rất nhiều đợt bão, lũ còn hạn chế nên thường gây rất nhiều thiệt hại.
Về nguyên nhân trong công tác chỉ đạo điều hành, năng lực các của cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng, kinh nghiệm cán bộ, trang thiết bị, phương tiện. Công tác phối hợp đôn đốc, chỉ huy thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố gặp hạn chế và không kịp thời do không được thường xuyên tập huấn, diễn tập. Việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Trước đó, từ 6h ngày 04/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền tại tỉnh Khánh Hòa gây gió giật mạnh nhất đạt cấp 12-13; ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên cấp 13; Lâm Đồng cấp 10-11, các khu vực khác có gió giật mạnh cấp 7-9. Bão số 12 duy trì gió mạnh trên đất liền kéo dài (12 tiếng), phạm vi ảnh hưởng rộng các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên; gây mưa lớn từ 400 - 600mm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 300 - 500mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200 - 300mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Khu vực Trung Bộ, Đông Nam Bộ những ngày trước đó và hiện nay tiếp tục có mưa to đến rất to.
Sáng 5/11, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đang ở mức BĐ2 đến trên BĐ3 là 1m. Dự báo, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và Nam Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh ở mức trên BĐ3 là 1,5m gây ngập sâu diện rộng ở vùng trũng thấp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!