Các đồng phạm gồm: Vũ Tiến Sơn, nguyên phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng; Hoàng Văn Thắng, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hải Phòng; Nguyễn Trọng Ánh, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng; Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng; Trần Văn Dũng tức Dũng “Bắc Kạn”; Phạm Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng cùng bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại Điều 275 – Bộ Luật hình sự.
Tham gia bào chữa tại phiên tòa có 5 luật sư, gồm: Luật sư Nguyễn Đình Hưng và Vũ Thị Kim Ngọc bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng, luật sư Đặng Viết Hùng bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn, bị cáo Phạm Minh Tuấn mời luật sư Nguyễn Thái Hòa và Trần Thiện Thuật. 4 bị cáo còn lại tự bào chữa.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập 6 nhân chứng nhưng chỉ 3 người có mặt. Trong số 3 nhân chứng có mặt tại phiên tòa, có nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Chí Dũng - đối tượng gần 1 tháng trước đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tiêu cực tham những xảy ra tại Vinalines.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát công bố trước tòa: sau khi biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho Vũ Tiến Sơn tổ chức chỉ đạo, phân công Thắng, Ánh, Tuấn, Phong, Trần Văn Dũng và các đối tượng khác sử dụng xe ô tô chở Dương Chí Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh vào tối ngày 17/5/2012. Đến ngày 21/5/2012, tiếp tục đưa Dương Chí Dũng từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh và tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia.
Viện kiểm sát xác định: Đây là vụ phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng bằng nhiều thủ đoạn như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội…
Viện kiểm sát nhận định: Quá trình điều tra, bị cáo Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi. Các bị cáo còn lại gồm: Sơn, Thắng, Phong, Dũng "Bắc Kạn", Ánh và Tuấn khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phù hợp với tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong vụ án. Trong đó, Dũng "Bắc Kạn" thực hiện tội phạm do bị ông Trọng và Sơn ép buộc, còn Phong phạm tội trong hoàn cảnh đang được ông Trọng bao che trốn truy nã suốt nhiều năm qua.
Liên quan tới vụ án này còn một số người khác do thành khẩn khai nhận, động cơ phạm tội vì tình cảm gia đình hoặc không biết kế hoạch bỏ trốn của ông Dũng nên không bị xem xét xử lý hình sự.
Phần thẩm vấn tại phiên tòa, 6 bị cáo Sơn, Ánh, Tuấn, Thắng, Phong, Dũng "Bắc Kạn" thừa nhận nội dung truy tố là đúng. Riêng bị cáo Trọng phủ nhận nội dung cáo trạng đã truy tố.
Kết thúc phần thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố trước tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo về cùng tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Theo đó:
Bị cáo Dương Tự Trọng bị đề nghị mức án từ 18-20 năm tù
Vũ Tiến Sơn bị đề nghị từ 17-18 năm tù
4 bị cáo: Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh , Trần Văn Dũng và Đồng Xuân Phong cùng bị đề nghị từ 6 -7 năm tù; bị cáo Phạm Minh Tuấn bị đề nghị từ 5 - 6 năm tù.
Quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, Dương Chí Dũng khai, một cán bộ Bộ công an đã báo cho Dương Chí Dũng có lệnh khởi tố và Dũng sẽ bị bắt tạm giam. Dương Chí Dũng đã đưa hối lộ cho một cán bộ công an.
Căn cứ vào lời khai này, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy có dấu hiệu của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác, do vậy đại diện Viện kiểm sát đã kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo quy định tại Điều 286 - Bộ luật hình sự.
Sáng mai (8/1), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây: