Trong cuộc trò chuyện về VTV3 nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày phát sóng chương trình đầu tiên, đạo diễn, NSƯT An Ninh dành rất nhiều thời gian để nói về khán giả. Bà cho rằng muốn làm gì, muốn sáng tác và sáng tạo thế nào thì trước hết phải ngồi trước màn hình để biết khán giả cần gì và không cần gì.
Khi Tiểu ban Ca nhạc - Tạp kỹ VTV3 ra đời, bà và nhà báo Huyền Thanh đã định hướng cho đồng nghiệp để sáng tạo và thực hiện những chương trình với chất lượng tốt nhất và có hiệu quả để phục vụ được nhiều tầng lớp khán giả.
Bắt đầu lại từ đầu khi sang VTV3
Đạo diễn An Ninh chuyển công tác từ phòng Ca nhạc (Ban Văn nghệ) sang tiểu ban Ca nhạc - Tạp kỹ (Ban sản xuất các chương trình giải trí) vào năm 1995, khi ấy bà đã có 25 năm công tác tại Ban Văn nghệ.
Đối với bà, thời điểm đó được coi là một thách thức rất lớn, bà và nhà báo Huyền Thanh - biên tập viên âm nhạc đã phải tự nhủ không được “dẫm” vào những gì bước chân mình đã từng bước, đồng thời phải gây dựng lại từ đầu một tập thể làm việc mới.
“Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và cho rằng trước hết, muốn làm việc được tốt thì cần một tập thể tốt. Chúng tôi sang VTV3 với niềm nhiệt huyết, đam mê và đầy sáng tạo nên cũng muốn mọi người phải như thế. Đối với tôi, một nhà báo trước hết cần phải trung thực, kỷ luật tốt và có tinh thần làm việc nhóm cao. Ngay từ khi về VTV3, tôi đã chủ động đào tạo và nuôi dưỡng một tập thể như thế” – đạo diễn An Ninh chia sẻ.
Đạo diễn An Ninh (thứ 2 từ trái qua) cùng với đồng nghiệp ở VTV3.
Nhớ lại khó khăn trong những ngày đầu về VTV3, điều khiến đạo diễn An Ninh lo lắng nhất đó chính là việc làm thế nào có được 19 chương trình ca nhạc giải trí trong một tuần. Vậy là, cặp bài trùng Huyền Thanh – An Ninh rong ruổi trên khắp các con đường, hết xe đạp, rồi đến xe máy, có lúc còn đi gần 40km để đến gặp các cơ sở nghệ thuật từ nhỏ nhất đến lớn nhất. Bà còn cùng nhà báo Lại Văn Sâm đi dọc đất nước, đến các hãng sản xuất băng đĩa để xin hình ảnh.
“Các hãng băng đĩa hình thấy mình nhiệt tình nên lúc nào có gì, họ đều dành cho mình cơ hội. Tôi nghĩ phải thực sự phải cảm ơn họ, những “vệ tinh’ đã tạo điều kiện để chúng tôi phục vụ khán giả được hiệu quả nhất” – đạo diễn An Ninh xúc động nhớ lại.
Đưa ca nhạc quốc tế đến gần khán giả trẻ
Khi xem MTV châu Á, đạo diễn An Ninh vô cùng trăn trở bởi lúc đó chưa hề có một chương trình ca nhạc quốc tế nào trên sóng. Chính vì vậy, bà cùng các đồng nghiệp quyết định sẽ dành 30 phút cho ca nhạc quốc tế. Vậy trong khoảng thời gian đó dành để nói điều gì? – đó là câu hỏi mà đội ngũ sản xuất cần tìm câu trả lời vào lúc đó.
Nhắc tới câu chuyện này, đạo diễn An Ninh nhớ lại người bạn đặc biệt có tên Dũng “Digital” về sự giúp đỡ của anh. Dù là một kiến trúc sư nhưng anh Dũng lại có đam mê đi du lịch các nước và mỗi lần đi thì lại sưu tập thêm một vài chiếc đĩa than. Không phải là người trong nghề nhưng anh lại rất đam mê văn hoá nghệ thuật, chính vì vậy anh Dũng có bộ sưu tập hàng nghìn đĩa than vô cùng quý giá. Gặp được anh Dũng, đạo diễn An Ninh rất mừng bởi nỗi niềm khát khao để đưa ca nhạc quốc tế đến gần hơn với các bạn trẻ đã có cơ hội trở thành hiện thực.
“Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ anh. Thời ấy, khán giả trẻ cũng đã nghe nhạc quốc tế nhưng lại qua các loại băng đĩa trôi nổi. Điều này khiến cho chúng tôi trăn trở làm thế nào để định hướng về thưởng thức và thẩm mỹ âm nhạc nước ngoài cho thanh niên” – đạo diễn An Ninh chia sẻ.
Sau này, qua những lần làm việc với chị Ngô Bích Hạnh – công ty BHD, đạo diễn An Ninh cùng các đồng nghiệp cũng đã đưa chương trình MTV châu Á lên sóng VTV3. MTV châu Á của VTV3 ra đời đã giúp cho thế hệ trẻ Việt lúc ấy biết nên nghe, nên xem cái gì cũng như cập nhật thông tin trào lưu âm nhạc trên thế giới. Và 3 kiều nữ Minh Ngọc, Kiều Trinh, Diễm Quỳnh - người dẫn của MTV châu Á chính là điểm sáng trong thế hệ MC đầu tiên của VTV3.
Cầu truyền hình Việt - Lào với ký ức khó phai
Cầu truyền hình Việt – Lào để lại nhiều kỷ niệm khó quên đối với đạo diễn An Ninh. Xuất phát từ trăn trở làm thế nào để trả ơn nhân dân Lào - những người đã giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công. Đạo diễn Anh Ninh khi đó là một chiến sĩ Trường Sơn và được chứng kiến cảnh những gia đình Lào nhường lại mảnh đất của mình để bộ đội mở đường Trường Sơn. Những cuộc gặp gỡ bất ngờ của đồng đội, của người dân hai dân tộc Việt – Lào và hơn thế nữa là những sự cố kỹ thuật ngoài kịch bản xảy ra trong quá trình ghi hình tại nước Lào khi đang truyền hình trực tiếp khiến bà nhớ mãi.
Khi đang trực tiếp, bên Lào mưa và bị mất điện. Khi phối hợp làm việc với bà, các đồng nghiệp ở Lào nói rằng đạo diễn An Ninh có “thần kinh thép” khi rất bình tĩnh giải quyết tình huống xảy ra để cầu truyền hình không bị đứt sóng.
Muốn mua bản quyền chương trình mà giá “trên trời”
"Ngày đấy, kênh TV5 của Pháp có chương trình trò chơi âm nhạc Fa Si La. Chúng tôi cùng với công ty BHD liên hệ mua bản quyền thì nhận được một cái giá rất cao dù chương trình đã không còn phát sóng được 2 năm. Điều này là một thách thức với ê-kíp làm chương trình dừng hay là tiếp tục thực hiện ước mơ. May mắn là chúng tôi may mắn tìm thấy ở Tây Ban Nha có Thế kỷ âm nhạc - chương trình được khán giả bình chọn hay nhất của năm để thay thế." - đạo diễn An Ninh chia sẻ.
Sau này, BHD đã thương lượng và mua được bản quyền. Tiểu ban Ca nhạc - Tạp kỹ với 9 người lên đường sang Tây Ban Nha để chuyển giao công nghệ.
Đạo diễn An Ninh và nhà báo Huyền Thanh
Trước khi có được các chương trình bản quyền của nước ngoài, thì đạo diễn An Ninh và nhà báo Huyền Thanh cùng với nhạc sĩ Lương Nguyên – Đài Phát thanh đã thực hiện Câu lạc bộ bạn yêu nhạc, chương trình ca nhạc đầu tiên tạo sân chơi cho khán giả Việt Nam. Điều thú vị nhất là ngày đó, dù nhà báo Huyền Thanh - lúc ấy là biên tập viên và nhạc sĩ Lương Nguyên đều là những MC “lớn tuổi” nhưng đã tạo ra nhiều niềm vui và sự hứng khởi cho khán giả yêu nhạc Việt Nam.
Sau này, nhiều khán giả của thế hệ lớn tuổi rất vui mừng khi được gặp lại tài tử Ngọc Bảo, nhạc sĩ Hoàng Giác, Thiện Tơ, Phan Huỳnh Điểu... và các nhạc sĩ thời tiền chiến trên sân khấu Ký ức thời gian. Hay như Trò chơi âm nhạc tạo ra tính tương tác, giúp khán giả thể hiện được tài năng và niềm đam mê, yêu thích ca hát ca. Khán giả yêu nhạc còn được tham gia nhiều chương trình ca nhạc như Câu lạc bộ bạn yêu nhạc, Thế kỷ âm nhạc, Tuổi hồng, Nhịp điệu trẻ, Tuổi đời mênh mông... Tất cả những chương trình đó đều đã để lại dấu ấn khó phai đối với khán giả.
Khép lại cuộc trò chuyện, đạo diễn An Ninh chia sẻ cảm xúc sau khi được gặp các đồng nghiệp cũ của mình cùng với một lời nhắn: "Tôi yêu đồng nghiệp của mình và hy vọng họ sẽ làm được thật nhiều điều kỳ diệu để phục vụ khán giả”.