VTV Đặc biệt tháng 6:

"Những đứa con của cuộc chiến": Trong nỗi buồn vẫn có những niềm vui

Chi Nguyễn-Thứ sáu, ngày 26/06/2015 06:00 GMT+7

Ê-kíp thực hiện phim tài liệu "Những đứa con của cuộc chiến" trong quá trình tác nghiệp (Ảnh do nhân vật cung cấp)

VTV.vn- Chia sẻ về thông điệp trong “Những đứa con của cuộc chiến”, NB Trần Ngọc Bích nói rằng dù bộ phim nói về hậu quả chiến tranh nhưng không đơn thuần là những câu chuyện buồn.

Chia sẻ về tên gọi của bộ phim – một chương trình nằm trong chuỗi chương trình của VTV Đặc biệt, nhà báo Trần Ngọc Bích – Trưởng phòng Chương trình, Ban Truyền hình Đối ngoại và cũng là 1 trong 4 thành viên của ê-kíp sản xuất Những đứa con của cuộc chiến – chia sẻ, chị và ê-kíp đã có khoảng thời gian tranh luận kịch liệt trong nhiều tháng. “Chúng tôi cũng đã nghĩ tới những cái tên như Giấc mơ bị đánh cắp, Đời lai, Cuộc đời hai quê… nhưng rồi cuối cùng thống nhất đặt một cái tên phù hợp nhất cho bộ phim này là Những đứa con của cuộc chiến” – nhà báo Ngọc Bích kể lại.

Chị có thể chia sẻ một chút về quá trình lên ý tưởng thực hiện bộ phim này?

- Khi thực hiện chương trình Ngày trở về năm 2014, một nhà báo đồng nghiệp đã cho chúng tôi mượn một cuốn sách của nhà văn Mỹ Thomas Bass về những người Việt đặc biệt tại Mỹ, đó là những người con lai của những cựu quân nhân Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam trước đây. Tôi và nhà báo Trần Thu Hà, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng tình cờ gặp được một số chuyên gia hiểu về Việt Nam, nghiên cứu về Việt Nam, gặp gỡ một số anh chị em là con lai và đã biết được một câu chuyện quá hay mà từ trước đến nay gần như chúng ta chưa từng đề cập đến. Nói đến nhóm người này, mọi người thường chỉ nghĩ đến chiến dịch Babylift – chiến dịch đưa 2.000 trẻ mồ côi, trong đó có những trẻ em lai từ Việt Nam sang Mỹ – từ 40 năm trước, trong khi đó câu chuyện về những trẻ lai sau chiến tranh lại là một câu chuyện khác.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước – cũng là dịp để nhắc lại một thời kỳ lịch sử với những nạn nhân chiến tranh, trong số đó con lai là một trong những đối tượng chịu nhiều đau khổ nhất và ít được nói đến nhất. Trong nhiều năm tháng trong chiến tranh và sau chiến tranh, họ chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần, thiếu thốn về vật chất mà 40 năm sau khi chúng tôi tiếp xúc với họ vẫn thấy vết thương chiến tranh đó ám ảnh cuộc sống, tâm hồn họ. Họ phải chịu những kỳ thị, hiểu nhầm khi bị mọi người coi là con của kẻ thù. Bản thân những người mẹ cũng không dám nhận họ là con mình rồi họ nhanh chóng bị xa lánh.

Một buổi ghi hình của ê-kíp thực hiện phim tài liệu "Những đứa con của cuộc chiến"

Ở thời điểm đó, khi kết thúc chiến tranh, có khoảng 25.000 – 30.000 trẻ em lai, họ dường như đã bị cha lãng quên khi người Mỹ rút quân về nước. Sau đó, đến đầu những năm 1980, người Mỹ bắt đầu biết đến trẻ lai khi một số em hồi hương theo chương trình đoàn tụ. Tuy nhiên, phải đến năm 1986, có hai nghị sỹ Mỹ là Robert Mrazeck và Tom Ridge khi biết về những trẻ lai bị người Mỹ để lại sau chiến tranh đã xây dựng và thuyết phục Chính phủ Mỹ ủng hộ "Chương trình Đoàn tụ con lai" để đưa những người con của quân nhân Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam hồi hương. Nhưng khi những người con đó được sang Mỹ thì họ cũng lại gặp những đau khổ khác: có người vẫn khó có thể hòa nhập cuộc sống, có người vẫn không tìm thấy cha hoặc không được cha thừa nhận và ước mơ đoàn tụ gia đình là mãi mãi không thể có với những người con lai này.

Dù chiến tranh đã kết thúc 40 năm song những cái bóng của chiến tranh vẫn còn lại đối với những nạn nhân năm nào. Xuất phát từ những điều đó, ê-kíp sản xuất thấy rằng đây là một câu chuyện hay để kể với khán giả về một thời lịch sử đã qua, từ đó cùng chia sẻ, cảm thông với những nạn nhân của chiến tranh, để thấy chiến tranh trong bất kỳ trường hợp nào cũng phi lý và cuối cùng con người lại chính là nạn nhân, phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, đau thương nhất.

Nói tới đề tài con lai, trước khi thực hiện bộ phim này, chị và ê-kíp có cho rằng đây là đề tài nhạy cảm và sẽ tạo nên khó khăn khi đưa hình ảnh của họ lên sóng truyền hình?

- Tôi không biết nhạy cảm theo bạn nói là ở góc độ nào vì thực ra, để đưa những người con lai sang Mỹ là một nỗ lực rất lớn của nhà nước Việt Nam, thể hiện một chính sách nhân đạo của Mỹ và của cả Việt Nam trong giải quyết vấn đề hậu quả chiến tranh. Hơn nữa, đây lại là những câu chuyện đã xảy ra, là một phần của lịch sử nên tôi cho rằng chủ đề chúng tôi lựa chọn không nhạy cảm. Chẳng qua đề tài về những người con lai còn ít được nói đến nên có thể một số người tưởng rằng đó là chủ đề cấm kỵ do nhạy cảm.

Chỉ có khó khăn khi thực hiện bộ phim này là ở những cảnh quay về cuộc sống lao động của những người con lai khi chúng tôi tác nghiệp bên Mỹ. Chúng tôi không thực hiện được những cảnh quay đó vì ở những nơi họ làm việc bị cấm ghi hình. Còn những người khác thì bản thân họ không muốn...

Nhắc lại một chút về quá trình tìm và lựa chọn nhân vật cho bộ phim Những đứa con của cuộc chiến. Quá trình đó đã diễn ra như thế nào, thưa chị?

- Chúng tôi mất chừng 1 năm để đọc tài liệu, nghiên cứu và trò chuyện với các chuyên gia để có thể chọn ra những nhân vật phù hợp nhất cho bộ phim này. Những nhân vật, câu chuyện chúng tôi kể cho khán giả trong Những đứa con của cuộc chiến thực sự chính là cảm xúc của chúng tôi khi tiếp xúc với họ. Hy vọng khán giả sẽ cảm thông, chia sẻ những cảm xúc này!

Chúng tôi đã được gặp rất nhiều người con lai sống tại Mỹ - khoảng 50 – 60 người - và đã lựa chọn những người cởi mở, đồng ý chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình tới khán giả truyền hình. Trong những câu chuyện họ kể, chúng tôi lại lựa chọn những điều gì là tiêu biểu, đặc biệt nhất để đưa vào bộ phim này.

Có những nhân vật đã đồng ý xuất hiện trong bộ phim nhưng sau đó lại từ chối bởi họ cảm thấy rất ngại với hoàn cảnh của mình, ngại kể lại những chuyện không vui trong quá khứ khi phải xuất hiện trên truyền hình. Nên đó cũng là một khó khăn của ê-kíp khi thực hiện bộ phim này. Nếu nói về những nhân vật thành công thì dễ hơn rất nhiều nhưng với những người có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ khó tiếp cận.

Phải nói rằng trong quá trình chúng tôi tác nghiệp tại Mỹ, những điều chúng tôi dự định đưa vào bộ phim cũng phải thay đổi nhiều vì cuộc sống của những nhân vật có khi không giống như những gì ê-kíp hình dung trước đó.

Như chị vừa chia sẻ, ê-kíp đã được tiếp xúc với rất nhiều người con lai nên hẳn là sẽ có nhiều câu chuyện được chuyển tới khán giả qua bộ phim này. Nhưng trong các câu chuyện đó, câu chuyện nào mang lại cảm xúc đặc biệt nhất đối với ê-kíp?

- Đó là câu chuyện về nhóm những người con lai ở tiểu bang Maine, Đông Bắc nước Mỹ. Những người chúng tôi gặp là những người có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Trong đó có một một chị con lai được sang Mỹ cũng khá lâu rồi nhưng không tìm thấy bố mẹ. Chị lập gia đình với một người cùng cảnh ngộ. Họ sinh được 3 người con nhưng vì không hiểu rõ về pháp luật, không biết tiếng bản địa nên đã dẫn tới những bi kịch trong cuộc đời. Vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng chị phải đi làm và để 3 người con ở nhà và chúng tự ra đường chơi. Tuy nhiên, việc đó đã bị chính quyền nghĩ là bọn trẻ bị bỏ mặc, không có người chăm sóc. Vì thế, 3 người con này đã được chính phủ đưa đi chăm sóc ở trung tâm nào đó vì luật ở Mỹ là rất tôn trọng trẻ em. Và đến giờ, chị vẫn chưa có điều kiện đi gặp các con.

Hay có một trường hợp khác, từ trước khi được sang Mỹ đã bị xa lánh ở Việt Nam, phải đi nhặt từng lon bia để kiếm sống. Khi được đưa sang Mỹ rồi, cuộc sống cũng không mấy khấm khá hơn. Vì không tìm được việc làm, anh ấy lại phải làm công việc giống như hồi còn ở Việt Nam…

Những người con lai sống tại tiểu bang Maine, Đông Bắc nước Mỹ cởi mở chia sẻ câu chuyện về số phận của mình với ê-kíp thực hiện "Những đứa con của cuộc chiến"

Vậy, làm thế nào để ê-kíp thuyết phục được những nhân vật như chị vừa kể để ghi hình cho bộ phim này?

- Chúng tôi tiếp xúc, trò chuyện với họ một cách chân thành, thực sự cảm thông và thương họ. Chúng tôi giải thích cho họ hiểu những thông điệp mà bộ phim muốn chuyển tải, để họ hiểu chúng tôi rất cảm thông, chia sẻ với số phận của họ. Với quan điểm: "Tất cả mọi chuyện đã là quá khứ, đó là những điều không ai mong muốn, hiện tại và tương lai mới là điều quan trọng", những nhân vật chúng tôi tiếp cận trở nên cởi mở hơn và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cuộc đời mình.

Được biết trong số những nhân vật của bộ phim này, có cả sự xuất hiện của vợ chồng ca sĩ Phương Thảo – nhạc sĩ Ngọc Lễ. Không biết câu chuyện của họ được kể trong Những đứa con của cuộc chiến có phần nào đặc biệt hơn những câu chuyện khác?

- Thực ra không phải là câu chuyện của họ đặc biệt bởi nhiều người cũng đã biết về họ. Phương Thảo là người đã tìm được bố, đã được đoàn tụ với bố ở bên Mỹ. Tại sao chương trình quyết định lựa chọn? Vì như Phương Thảo, dù đã tìm được bố, được bố chấp nhận và được sum họp nhưng thời gian đoàn tụ của họ lại quá ngắn vì 7 năm sau đó, bố cô mất. Và trước đó, khi cô tìm được bố thì ông cũng đã có gia đình của riêng mình.

Câu chuyện đoàn tụ của ca sĩ Phương Thảo có thể xem là một cái kết có hậu và là một câu chuyện rất hiếm hoi trong đề tài mà bộ phim Những đứa con của cuộc chiến thể hiện bởi dù có được đoàn tụ thì cuộc sống vẫn không phải là trọn vẹn với một người con lai. Nhưng dù sao, Phương Thảo cũng là một người đã gặt hái được những thành công ở Việt Nam từ trước khi sang Mỹ đoàn tụ với bố. Bản thân cô ấy cũng rất cởi mở và đồng ý trở thành một nhân vật trong câu chuyện mà chúng tôi sắp kể với khán giả truyền hình.

Những đứa con của cuộc chiến dù sao cũng là một bộ phim đề cập đến quá khứ, đến một phần nào đó những nỗi đau. Chị có nghĩ rằng, khi phim lên sóng, khán giả sẽ có những đánh giá theo các chiều hướng khác nhau?

- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng quan trọng là tình cảm chân thật. Nếu như bạn kể một câu chuyện thành công tới khán giả thì đó cũng phải là một câu chuyện có thật. Ngược lại, nếu bạn kể một câu chuyện buồn về thân phận của một người nào đó thì cũng phải là một câu chuyện có thật, đã xảy ra. Khi đó sẽ là sự chia sẻ với những con người ấy.

Vậy thì tại sao lại nghĩ rằng đó sẽ là một bộ phim buồn vì những vui – buồn trong cuộc sống là chuyện rất bình thường. Cuộc sống là muôn màu, muôn vẻ, có những người thành đạt, có những người không thành đạt, có những người rất hạnh phúc, có những người kém hạnh phúc hơn. Chúng ta cần đối mặt với sự thật của cuộc sống và rõ ràng sẽ không có gì là nhạy cảm khi đưa một câu chuyện buồn lên tivi. Vấn đề là chúng ta đưa câu chuyện đó với mục đích gì.

Chúng ta đều biết trong quá khứ đã có chiến tranh, đã có những hậu quả như vậy, thì trong tương lai mỗi chúng ta cần hành xử như thế nào để tránh xảy ra những xung đột, những cuộc chiến.

Mỗi người con lai là một câu chuyện khác nhau được chuyển tải trong bộ phim tài liệu "Những đứa con của cuộc chiến"

Nói một chút về yếu tố “đặc biệt” của bộ phim. Được lựa chọn lên sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt sau các bộ phim Không thể lãng quên, Bản hòa tấu Sơn Đoòng, MH370 – Hành trình chưa kết thúc, Hồ Chí Minh - Bài ca tự do, vậy thì có áp lực nào đặt ra cho ê-kíp khi thực hiện Những đứa con của cuộc chiến hay không bởi khán giả luôn muốn biết những tác phẩm của VTV Đặc biệt sẽ “đặc biệt như thế nào”?

- Tôi chia sẻ với bạn như thế này. Bản thân đề tài của bộ phim đã là điều rất đặc biệt rồi. Khi bắt tay thực hiện Những đứa con của cuộc chiến, chỉ đơn giản là tôi và ê-kíp quá thích đề tài này và cố gắng hết sức để làm tốt nhất như mọi chương trình khác. Với một đề tài như vậy, chúng tôi sẽ có những khám phá để đưa được những câu chuyện về đời sống mà nhiều người chưa từng biết tới lên phim.

Tôi cũng như cả ê-kíp cảm thấy hấp dẫn bởi chính sự đặc biệt của những câu chuyện ấy. Chúng tôi nghiên cứu kỹ đề tài, đi đến tận cùng của vấn đề bởi đây chính là cơ hội để thể hiện hết đam mê với nghề và cả với đề tài mang tính chất đặc biệt này.

Tất nhiên, khi làm xong một chương trình nào đó, bản thân tôi cũng luôn luôn nhận thấy những điều cần khắc phục, rút kinh nghiệm. Nói thật với bạn là cả tôi, nhà báo Trần Thu Hà, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Quang Toàn không cảm thấy áp lực nhiều lắm khi thực hiện bộ phim này. (Cười)

Được biết đoạn kết trong Những đứa con của cuộc chiến là hình ảnh về gia đình ca sĩ Phương Thảo – nhạc sĩ Ngọc Lễ. Không biết có thể hiểu, một trong những thông điệp của bộ phim chính là: “Trong những nỗi buồn vẫn có những niềm vui”?

- Có thể nói là như vậy bởi như trong câu chuyện tôi chia sẻ với bạn từ đầu cuộc trò chuyện tới giờ, dù thế nào đi nữa, những người con lai cũng giống như chúng ta, họ cũng có tâm hồn, có khát vọng vươn lên, có nghị lực, có mục đích sống, có cả tương lai ở phía trước.

Cái kết chúng tôi sử dụng trong bộ phim là hình ảnh hai con của vợ chồng ca sĩ Phương Thảo – nhạc sĩ Ngọc Lễ - những đứa trẻ được sinh ra trong thời bình và cũng biết một phần nào chuyện đoàn tụ gia đình của mẹ. Hai bé tự chia sẻ rằng, khi lớn lên muốn làm một điều gì đó để thay đổi thế giới và không muốn có chiến tranh.

Ê-kíp sản xuất ghi hình tại nhà vợ chồng ca sĩ Phương Thảo - nhạc sĩ Ngọc Lễ

Nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng sáng tác một ca khúc với những giai điệu: “Tôi mơ một ngày nào đấy, tôi lớn lên trong hòa bình/Tôi muốn thay đổi thế giới để thế giới không còn chiến tranh, không còn hận thù, chỉ còn tình yêu thương”… Tôi nghĩ rằng thông điệp đó rất hay và phù hợp để chúng tôi sử dụng làm cái kết khép lại Những đứa con của cuộc chiến.

Bài hát kết thúc đó cũng là thông điệp của những đứa trẻ có bố mẹ là con lai và của cả hai bé Na, Nấm - con của vợ chồng ca sĩ Phương Thảo – nhạc sĩ Ngọc Lễ.

Ê-kíp thực hiện "Những đứa con của cuộc chiến": nhà báo Trần Thu Hà, nhà báo Trần Ngọc Bích, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Quang Toàn (từ trái qua)

Thay cho lời kết, chị sẽ chia sẻ điều gì về mong muốn của mình cũng như của ê-kíp trước khi Những đứa con của cuộc chiến được phát sóng?

- Cùng với Thu Hà, Quỳnh Tư và Quang Toàn, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều, nghe rất nhiều và đi cũng rất nhiều để kể lại cho khán giả những câu chuyện hay nhất. Mong khán giả hãy xem và cảm nhận, hiểu được những thông điệp mà bộ phim chuyển tải về cuộc sống, về thân phận con người, về cách hành xử giữa con người với con người trong cuộc sống này.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Bộ phim tài liệu Những đứa con của cuộc chiến sẽ được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt vào 20h10 thứ 7 (27/6) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước