Trong danh sách 5 ngành nghề, công nghệ thông tin được đánh giá là một trong những nghề có khả năng "miễn dịch" với khủng hoảng kinh tế hiện nay. Chỉ cần máy tính là tâm điểm của đời sống công việc và sinh hoạt của mọi người thì những người làm nghề này vẫn có đất dụng võ.
Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng đều có website và những thông tin cần bảo mật, cho nên nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin là không thể thiếu. Trong thời đại 4.0, việc bảo mật thông tin giữa các công ty hay quốc gia cũng rất được xem trọng. Chính vì vậy, công nghệ thông tin được đánh giá là ngành hot không chỉ hiện tại mà cả tương lai.
Ngành nghề thứ hai có thể kể tới đó là thiết kế. Khi mua hàng online trở thành thói quen của nhiều người thì dấu ấn của thiết kế càng được chú trọng. Con người luôn hướng tới cái đẹp nên việc thiết kế sao cho thu hút để tạo ấn tượng với khách hàng. Sự sáng tạo của con người là điều giúp cho ngành này trụ vững trước xu thế công nghiệp 4.0 đang ngày một lan tỏa mạnh mẽ. Bởi nghề thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng để đáp ứng nhu cầu thị trường, mà không phải robot nào cũng có thể thay thế được.
Tiếp đó là ngành nghề lĩnh vực y tế. Dù có nhiều lĩnh vực, robot có thể dần dần thay thế con người, thì với nhóm ngành y tế vẫn không bị ảnh hưởng. Bởi vì ngoài chữa bệnh thì việc giao tiếp, ổn định tinh thần, thấu hiểu suy nghĩ của người bệnh cũng rất quan trọng.
Một báo cáo về nhân lực ngành Y tế đưa ra dự báo đến năm 2020, nhu cầu về các chuyên gia y tế cũng như các dịch vụ cộng đồng sẽ trên 40%. Bởi vậy, đây là nhóm ngành được đánh giá không nằm trong "cơn bão" cách mạng 4.0, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những lao động có nhu cầu tham gia vào lĩnh vực Y tế.
Nhóm ngành tiếp theo phải kể tới đó là nhân lực làm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính - đầu tư. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực tài chính, đầu tư được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Cơ hội việc làm cho những vị trí cần xử lý máy tính và cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính là rất lớn. Tuy nhiên, không phải cứ robot là có thể xử lý tốt các tình huống trong dịch vụ tài chính - đầu tư, vì vậy, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và là nghề hấp dẫn, thu hút nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0.
Ngành nghề thứ năm mà robot không thể thay thế được con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đó là đầu bếp. Bởi đây là ngành nghề đòi hỏi phải có các kĩ năng, vị giác, tinh thần sáng tạo, không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ trong việc chế biến món ăn của người đầu bếp. Robot cũng như những máy móc hiện đại trong bếp có thể phục vụ khách hàng tốt hơn nhưng chắc chắn không thể sáng tạo nên những món ăn ngon.
Do đó, dù cách mạng 4.0 có thay thế nhiều ngành nghề khác thì đầu bếp vẫn luôn là những người lao động có khối óc tư duy và sáng tạo không thể thay thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!