Trong những ngày qua, đề xuất hạn chế xe máy ở Thủ đô Hà Nội theo lộ trình từ năm 2020 và không phân biệt xe biển Hà Nội hay ngoại tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Cụ thể, lộ trình hạn chế xe máy được đề xuất thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ vào hai ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. Giai đoạn 2, từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh từ vành đai 2 trở vào trung tâm, đồng thời mở rộng khu vực hạn chế xe máy ra các tuyến phố cũ. Giai đoạn 3, đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm.
Nhận xét về đề xuất này, ông Vũ Anh Tuấn – Chuyên gia Quy hoạch và Quản lý Giao thông, Đại học Giao thông vận tải – cho biết giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nói chung, trong đó có xe máy là một trong những bộ giải pháp về quản lý nhu cầu đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Hà Nội, tốc độ tăng trưởng cơ giới như hiện nay đạt trên 10%/năm trong khi cơ sở hạ tầng tăng trưởng với chỉ số dưới 1%/năm. Với đà này, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân ngày một tăng cao của người dân.
"Nghiên cứu hạn chế xe máy là một nghiên cứu có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, thời gian và lộ trình triển khai cần phải được nghiên cứu thêm để phù hợp với sự phát triển chung của toàn hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng".
Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, nếu triển khai cấm xe máy ngay tại thời điểm này, xe bus không thể đảm nhận được vai trò là phương tiện vận chuyển chủ đạo. "Hiện nay, năng lực của xe bus vào giờ cao điểm đã đạt trạng thái bão hòa. Nếu tăng thêm hành khách, xe bus cũng không có khả năng vận chuyển thêm. Tuy nhiên, theo lộ trình quy hoạch về hệ thống đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm tàu đô thị MRT hay xe bus nhanh. Khi đó, năng lực của hệ thống giao thông thủ đô sẽ được nâng lên", ông Tuấn cho biết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!