Mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam là một dự án sư
phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình được quốc tế ca ngợi và đã
thành công ở một số quốc gia. Khởi nguồn từ Colombia từ những năm 1995, mô hình
trường học mới được thiết kế để dạy tại các trường miền núi khó khăn với nguyên
tắc lấy học sinh làm trung tâm. Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được
Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hợp quốc tài trợ không hoàn lại gần 85
triệu USD. Sau hơn 3 năm triển khai, đã có 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000
trường THCS áp dụng. Đến nay, dự án được tuyên bố đã kết thúc và ngừng hỗ trợ
kinh phí cho các trường.
Điểm đặc biệt của mô hình VNEN là lấy học sinh làm trung
tâm, thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn và để các em làm chủ quá trình học tập,
sinh hoạt lớp. Trong quá trình học, cô giáo chỉ dành một thời gian nhỏ để giảng
dạy còn phần lớn thời gian, các học sinh sẽ được chia theo cặp/nhóm và cùng ngồi
thảo luận, đưa ra ý kiến. Với mô hình VNEN, các học sinh có nhiều thời gian tìm
hiểu và gắn bó với cộng đồng nơi các em đang sinh sống.
Tuy nhiên, song song với những điểm tích cực về phương pháp
học tập, VNEN cũng bộc lộ những điểm yếu. Trong quá trình khảo sát, một đoàn
giáo dục của Colombia đã đưa ra nhận xét rằng các em học sinh theo học VNEN chú
trọng quá nhiều vào việc "diễn" thay vì thực sự học tập, trao đổi.
Cụ thể, tại nhiều trường THCS ở thành phố Vinh, nhiều phụ
huynh đã xin cho con mình không phải học mô hình trường học mới vì họ sợ rằng
trong thời gian các học sinh khác dùi mài kinh sử, con mình vẫn bận rộn thảo luận,
tự chủ trong lớp...
Chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay, ông Lê Tiến Thành
– chuyên gia cao cấp dự án Mô hình trường học mới VNEN - cho rằng, để mô hình
trường học mới thành công, các học sinh phải tự nghiên cứu, tự học để rút ra những
nhận thức riêng cho bản thân. Sau đó, các em sẽ trao đổi theo cặp đôi/nhóm. Chỉ
khi nào làm đúng được quy trình đó, học sinh mới có thể làm chủ được kiến thức.
"Nếu địa phương nào quá sa đà vào hình thức, quá nặng vào yếu
tố hoạt động nhóm mà không chú ý đến hoạt động cá nhân thì nơi ấy, việc học sẽ
chỉ còn là hình thức", ông Thành nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!