Năm 2020 chứng kiến đợt hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long. Mặn xâm nhập sớm hơn bình thường 1 tháng rưỡi và chưa năm nào hạn vào sâu như vậy. Hơn 100.000 hộ hiện gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã kí quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho khu vực này. Hơn 500 tỷ đồng cũng đã được Bộ Nông nghiệp và nông thôn kiến nghị hỗ trợ xử lý hạn mặn. Giải bài toán nước ngọt cho người dân đồng bằng sông Cửu Long đặt ra không chỉ cho hiện tại, mà còn cho tương lai, khi nguồn tài nguyên này có dấu hiệu suy giảm.
10 năm qua, tổng lượng dòng chảy trung bình sông Mekong tại đoạn đầu nguồn phía Việt nam ở Tân Châu, Châu Đốc tỉnh Đồng Tháp đã giảm mạnh. Năm 2008 là hơn 400 tỷ m3, nhưng mỗi năm giảm khoảng 1,2%/s. Đến 2018 tổng lượng dòng chảy giảm gần một nửa. Tổng lượng mưa mùa lũ năm 2019 trên sông Mekong thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm.
Theo số liệu của Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam, hiện nay, bình quân lưu lượng kiệt của sông Mekong chảy về ĐBSCL hơn 2000 m3/s. Ước tính lưu lượng chảy về ĐBSCL trong giai đoạn tới có thời điểm có thể chỉ còn khoảng 1000 m3/s, tức là giảm một nửa. Trong khi đó nhu cầu nước dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong 10 năm nữa.
Vì sao năm nay tình hình thiếu nước lại khốc liệt hơn mọi năm? Nguyên nhân chính là gì? Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, Chính phủ đã đầu tư hàng chục công trình lớn để điều tiết hạn mặn, ngọt. Phải chăng chúng ta làm chưa đủ mạnh, chưa đủ lớn?
Cùng bàn luận về chủ đề "Quản lý tài nguyên nước" trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 24/4 là ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!