Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra Đề án quản lý giao thông đường bộ, trong đó có nội dung quan trọng là từng bước hạn chế xe máy lưu thông, tiến tới dừng hẳn hoạt động của xe máy tại nội đô vào năm 2030. Tuy nhiên, tính khả thi của việc thực hiện đề án này lại phụ thuộc vào mức độ phát triển của mạng lưới giao thông công cộng.
Đánh giá về tính khả thi của Đề án này, TS. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định cần thực sự cương quyết loại bỏ các phương tiện cơ giới, bao gồm xe máy và ô tô không đủ điều kiện kỹ thuật an toàn tham gia giao thông.
"Chủ trương thu hồi xe máy không đủ điều kiện an toàn giao thông, điều kiện môi trường là đúng đắn. Đồng thời, chúng ta cũng cần tạo dựng điều kiện tốt về giao thông để phục vụ người dân thay thế xe máy ở những khu trung tâm. Những khu trung tâm có điều kiện vận tải công cộng và phi cơ giới tốt thì hoàn toàn có thể dừng lưu thông phương tiện cá nhân. Tất nhiên, trong trường hợp này, nhiều ý kiến đề cập tới xe máy nhưng chúng ta cũng có thể xem xét cả phương tiện khác", TS. Khuất Việt Hùng cho biết.
"Nếu xem xét mức độ diện tích sử dụng đường và đỗ xe thì chắc chắn lo ngại ô tô gây ùn tắc là rất lớn. Tương tự nhiều đô thị tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Quảng Châu, sau khi thành công với việc cấm xe máy, những nơi này lại phải đau đầu với vấn nạn ô tô" - TS. Khuất Việt Hùng phân tích tiếp - "Chúng tôi tin rằng, trong đề án này, với mức độ phát triển ô tô như hiện nay, chưa đặt nhiều lắm tới việc hạn chế, thậm chí dừng lưu thông ô tô trong một số khu vực, song chắc chắn khi chúng ta có chính sách về dừng lưu thông phương tiện cơ giới, đông nhất là xe máy ở khu vực trong tâm, thì việc bổ sung một vài loại phương tiện khác trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chính sách là điều bình thường".
Theo TS. Khuất Việt Hùng, để thuyết phục người dân thay đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cơ quan quản lý cần đưa ra bằng chứng cho thấy những người dân sống tại không gian đô thị sử dụng phương tiện bằng đi bộ và phi cơ giới sẽ thuận tiện hơn, hấp dẫn hơn việc di chuyển bằng xe máy.
"Chủ trương quản lý và hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy là rất đúng nhưng thiết kế chính sách phải cụ thể, đưa ra được những kịch bản mà người dân cảm thấy mình được phục vụ tốt hơn", TS. Khuất Việt Hùng nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!