Lần đầu tiên, khoảng 7,5 triệu người dân tại Hà Nội sẽ được khám sức khỏe thông qua các trạm y tế xã, phường. Mỗi người sau đó sẽ được quản lý bằng một hồ sơ sức khỏe cá nhân và được số hóa.
Nếu ai đã khám chữa bệnh ở nơi khác cũng sẽ được tích hợp vào hồ sơ này theo mô hình quản lý sức khỏe toàn dân. Đây sẽ là khối lượng công việc khổng lồ đối với một đô thị đông dân cư và cơ cấu dân số phức tạp như Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả công việc này sẽ được thực hiện trước ngày 10/10/2017.
Bác sĩ Lê Văn Thanh hiện đang làm việc ở Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết: "Việc lập hồ sơ điện tử theo dõi, quản lý sức khỏe mang đến những lợi ích rõ ràng. Trước hết, điều này giúp đồng bộ hóa việc chăm sóc sức khỏe ở nhiều tuyến với nhau. Không chỉ ở các nơi khám sức khỏe tại xã, phường, người dân còn có thể đến khám ở bệnh viện tại các quận, huyện, tỉnh trung ương. Hồ sơ này khi được thông tuyến sẽ cho phép người bệnh có được hồ sơ điện tử thống nhất từ tuyến dưới đến tuyến cao nhất".
"Bên cạnh đó, điều này còn giúp đồng bộ hóa cơ sở thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh cũng như bên thanh toán cho việc khám chữa bệnh, đó là bảo hiểm. Đây là việc cần phải làm vì sẽ giúp tăng hiệu quả trong quá trình kiểm soát, chi bảo hiểm cũng như giảm thiểu rủi ro nếu có. Ngoài ra, thông tin khám chữa bệnh của người dân khi được tích hợp lại sẽ trở thành nguồn cơ sở dữ liệu quý báu cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế, giúp theo dõi sức khỏe người dân và phục vụ cho việc nghiên cứu", bác sĩ Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Mời quý vị lắng nghe cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Văn Thanh qua video Vấn đề hôm nay dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!