Lãng phí xe công: Lời giải đến từ bài toán khoán xe?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 18/12/2015 06:49 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ tài chính, 80 triệu/năm là số tiền tiết kiệm được cho một chiếc xe công nếu sử dụng chính sách khoán. Tuy nhiên, số cán bộ thực hiện chính sách này lại rất ít.

Một năm cả nước mất 12.800 tỷ để nuôi 40000 chiếc xe công vụ, chưa kể bộ máy bị phình ra do phải có người lái xe và quản lý xe công. Bộ Tài chính đã tính toán một xe công trung bình tiêu tốn khoảng 320 triệu đồng mỗi năm cho các chi phí gồm: chi phí lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu... Đây là một con số rất lớn trong chi thường xuyên của bộ máy Nhà nước.

Thực tế, câu chuyện lãng phí xe công như sử dụng xe công vào việc tư, mua xe công quá tiêu chuẩn đều là những chủ đề được nói tới từ lâu. Nhiều quy định tưởng như là khá chặt trong việc quản lý xe công cũng đã được ban hành, song xe công lại là một chủ đề nhạy cảm khác mà nhiều nơi, đơn vị tránh đụng chạm.

Một trong những quy định đã có từ lâu nhưng số người thực hiện lại chỉ có trên đầu ngón tay, đó là khoán xe công. Theo quy định này, thay vì đi xe công, cán bộ lãnh đạo sẽ nhận một khoản tiền khoán để lo tất cả chi phí liên quan tới chiếc xe, kể cả tiền mua xe. Lợi ích cho ngân sách từ quy định này đã được thấy rõ vì nếu mức khoán là 10 triệu/ tháng thì một năm, ngân sách Nhà nước chỉ mất 120 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 320 triệu/ tháng cho một chiếc xe công như Bộ Tài chính đã đưa ra. Điều đáng tiếc là chỉ có một vài cán bộ lãnh đạo thực hiện chính sách này.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trên thực tế khi thực hiện chính sách khoán xe công cũng có một vài bất tiện đáng quan tâm, có thể gây ảnh hưởng tới công việc.

"Bởi vì, những chức danh được Nhà nước quy định có tiêu chuẩn xe công đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại đều là chức danh lãnh đạo, có chức trách nhiệm vụ đôi khi rất nặng nề. Vì thế, họ đòi hỏi sự tập trung, sức khỏe tốt khi chủ trì công việc. Ngoài ra, đối với vấn đề này cũng có ý kiến khác nhau. Ngay cả bạn bè tôi cũng có người nói - Người ta phấn đấu để có tiêu chuẩn dùng xe, còn ông lại không dùng xe thì không hiểu ông nghĩ kiểu gì. Thứ hai là khi bắt buộc xử dụng phương tiện thay thế, chi phí tăng lên rất nhiều, có khi vượt cả mức khoán", ông Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.

"Để giải quyết vấn đề xe công, chúng ta cần có hệ thống giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là phải tăng cường dịch vụ giao thông để việc đi lại thuận tiện hơn. Thứ hai là tuyên truyền để tạo sự đồng thuận. Thứ ba là phải có hình thức, mức khoán linh hoạt, hợp lý để động viên được những người có tiêu chuẩn và sẵn sàng nhận khoán. Hình thức khoán cần có nhiều loại hình khác nhau như chỉ khoán phần đưa đón từ nơi làm việc đến nơi ở và ngược lại hoặc khoán phần đưa đón hàng ngày và đi công tác trong nội thành Hà Nội...", ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết thêm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước