Trong ba năm tái lập Ban Nội chính với nhiệm vụ quan trọng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, hàng trăm vụ án tham nhũng đã được đưa vào diện theo dõi, xử lý. Trong đó, 8 vụ án trọng điểm đã được đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng như vụ án tại công ty chế biến thực phẩm tỉnh Sóc Trăng; vụ án tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 7, TP.HCM; vụ án tại Ban quản lý dự án đường sắt; vụ án tại công ty dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam và Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 TP.HCM... Đây đều là những vụ án tham nhũng lớn, phức tạp được dư luận quan tâm.
Đánh giá chung về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, GS.TSKH Phan Xuân Sơn – Viện Chính trị học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Công tác phòng chống tham nhũng là hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lại có trọng điểm riêng và mỗi bước làm trọng điểm có ý nghĩa nhất định. Hiện tại, chúng ta vừa kết thúc một nhiệm kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều dấu ấn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng".
"Từ sự kiện tái lập Ban Nội chính trung ương có thể thấy, hoàn thiện thể chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc đấu tranh. Đến nay, với việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thì chúng ta đã có đầy đủ các công cụ về đấu tranh chống tham nhũng. Thứ nhất, về luật pháp, Việt Nam đã có luật phòng, chống tham nhũng với vài ba lần được sửa đổi bổ sung. Thứ hai là chúng ta có chiến lược về chống tham nhũng. Về lực lượng, chúng ta có ban chỉ đạo trung ương. Tuy đến nay vẫn chưa đẩy lùi được tham nhũng nhưng quyết tâm chính trị của Đảng, nỗ lực của các cơ quan có trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng rất lớn, kết quả ngày càng có chiều hướng tích cực hơn".
Đối với vấn đề này, lãnh đạo Ban Nội chính trung ương đã có những chia sẻ thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, đồng thời tái khẳng định "không có vùng cấm trong chống tham nhũng".
Ông Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết: "Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng về phòng chống tham nhũng; bổ sung, xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế xã hội và phòng chống tham nhũng; thực hiện tốt, công khai, minh bạch hoạt động ở tổ chức, đơn vị, đồng thời kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Có vụ việc xảy ra phải điều tra, nếu điều tra thấy có hành vi phạm tội phải truy tố và đặc biệt khi đã truy tố thì phải xử theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai".
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.