Theo Cục đường thủy nội địa Việt Nam, cả nước có 427 câu cầu nằm trong các tuyến vận tải đường thủy nội địa, trong đó có 64 cầu thuộc diện ưu tiên cần nâng cấp, 5 cầu được liệt vào danh sách đặc biệt phải nâng cấp gồm cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Chui, cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh.
Theo TS Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, là một trong 5 cây cầu được cảnh báo là nguy hiểm nên khả năng tai nạn sập cầu Ghềnh xảy ra trên thực tế đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng cũng đã dùng nhiều hình thức quản lý chặt chẽ việc khai thác, sự dụng cây cầu này.
"Cầu ghềnh nằm trong danh sách khẩn cấp cần làm nên các cơ quan quản lý đã dùng các hình thức quản lý chặt chẽ, có phao tiêu cảnh báo. Tuy nhiên, chính những người điều khiển phương tiện đã có hành vi vi phạm quy trình khai thác một cách nghiêm trọng. Nó vượt qua cả sự cảnh báo, giám sát của cơ quan quản lý đường thủy nội đia và điều đáng tiếc đã xảy ra".
Hiện tại, phương án cuối cùng để xử lý cây cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sập đã được thống nhất. Đó là làm lại dầm và xây lại 2 trụ cầu mới. Đánh giá phương án này, TS. Nguyễn Ngọc Long nhận định đây là lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn.
"Cầu Ghềnh đã xây dựng từ năm 1902, có tuổi thọ trên 100 tuổi. Với độ tuổi này, việc sửa chữa là không triệt để" - TS. Nguyễn Ngọc Long phân tích - "Thời gian để xây cầu mới tốn kém thời gian tương đương xấp xỉ với khôi phục lại cầu cũ nhưng nó lại giải quyết vấn đề triệt để vì đằng nào sớm muộn cây cầu đó vẫn phải làm".