Hạ tầng được xem là điểm mấu chốt để phát triển giao thông và kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy giao thông nước ta đang bị thiếu vốn rất nghiêm trọng. Nhu cầu đầu tư từ năm 2016 cho đến năm 2020 cần 1 triệu tỉ đồng nhưng ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng 210.000 tỉ đồng.
Tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất gay gắt yêu cầu phải tìm đủ mọi cách để huy động vốn ngoài ngân sách cho hạ tầng giao thông. Thủ tướng nhấn mạnh phải xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể làm vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông vận tải thành công.
Để tìm kiếm, phát huy được nguồn vốn này, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu và chính sách - cho biết: "Bối cảnh thiếu tiền hiện nay trên toàn quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hậu quả của việc sử dụng nhiều nguồn vốn bị lãng phí, không đạt hiệu quả. Thêm vào đó, các địa phương cũng không có khả năng tự phát hành trái phiếu.
Chính vì thế trong bối cảnh hiện nay, nước ta cần có một loạt các thay đổi về cơ chế và tài chính mới. Trong đó, chính quyền trung ương có thể giao nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương xử lý. Còn nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước thì rất khó để nước ta có thể phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!