Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, chúng ta đã có những dự báo về khó khăn thị trường, bởi sản phẩm Trung Quốc chiếm 40% chuỗi cung ứng châu Á, trong đó Việt Nam tỷ lệ còn cao hơn ở những ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử. Nhưng khi dịch bùng phát cả ở Nhật Bản, nhất là ở Hàn Quốc, khó khăn đã lại thêm những diễn biến mới phức tạp hơn nhiều.
Về cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam tại 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, với ngành điện - điện tử, năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu các mặt hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Hàn Quốc đã là khoảng 32 tỷ USD, chiếm 80%.
Cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam tại 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
Với ngành sản xuất lắp ráp ôtô, năm 2019, Việt Nam đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện. Trong đó nhập từ 3 thị trường nói trên là khoảng 2,6 tỷ USD, chiếm 65%.
Kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc.
Nếu không xoay sở được nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng loạt doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử sẽ phải dừng hoạt động từ giữa tháng 3, đồng nghĩa với hàng tỷ USD sẽ bị thổi bay và hàng chục vạn lao động mất việc làm. Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, bài toán đầu vào cho những ngành kinh tế mũi nhọn này sẽ phải được giải quyết ra sao?
Cùng bàn luận về bài toán nguyên liệu trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 2/3 là bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!