Bán nhanh nợ xấu là yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Nếu NHTM không bán được đủ số nợ, NHNN có thể áp dụng các biện pháp chế tài. Mục tiêu đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu giảm dưới 3%.
Vậy tại sao các ngân hàng lại phải bán nợ xấu cho VAMC? Văn bản của NHNN có nêu rõ số nợ tối thiểu mà mỗi ngân hàng phải bán cho VAMC, đồng thời yêu cầu tới ngày 30/6 phải bán được tối thiểu 75%, đến ngày 30/9 phải bán hết 100% số nợ xấu được NHNN ấn định cho mỗi ngân hàng.
Các khoản nợ xấu được xử lý bằng thu hồi nợ, phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp được trừ vào số nợ bán cho VAMC. Số nợ xấu được ấn định với mỗi ngân hàng là khác nhau. NHNN sẽ xem xét ấn định dựa trên cơ sở tổng hợp báo cáo của hệ thống đến cuối năm 2014 và dựa trên quy mô của tổ chức tín dụng đó.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, số nợ xấu được VAMC mua của các tổ chức tín dụng cũng lên tới 125.000 - 130.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay đối với VAMC là cơ chế mua bán và xử lý nợ xấu sau khi đã được mua về. Bởi từ trước đến nay, VAMC đều mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của NHNN, không phải bằng tiền. Nguồn lực của VAMC hạn hẹp, trong khi cơ chế, chính sách để xử lý nợ xấu lại chưa có, nên VAMC được ví như "cái kho" gom nợ xấu vào một chỗ. Tuy nhiên, nợ xấu chưa thực sự được tiêu hao, nợ xấu vẫn tồn tại và có thể nói đang "treo lơ lửng" trên nền kinh tế.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay, phóng viên VTV có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội để cùng phân tích, bình luận cụ thể xung quanh vấn đề này.
Còn trong phần quốc tế bàn luận về thực trạng có 250 triệu lao động Trung Quốc di cư lên các thành phố lớn làm việc, bỏ lại 61 triệu trẻ em ở quê nhà.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.