Với 4 khách mời là nhà thơ Vi Thùy Linh, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và kiến trúc sư Phó Đức Tùng, buổi tọa đàm “Hà Nội đã thay đổi như thế nào” diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp đã đề cập đến sự thay đổi của Thủ đô qua hàng thập kỉ, từ kiến trúc đường phố cho đến hình bóng con người. Những gì còn lại, những gì đã mất hay những gì đã thay đổi đều được các chuyên gia đề cập đến một cách gần gũi mà sâu sắc. Mục đích của buổi trò chuyện là để kêu gọi mọi người, hãy bảo tồn những gì mình yêu quý ở Hà Nội bằng hành động, dù là nhỏ bé.
4 vị khách mời đem lại cho mội người một Hà Nội đa chiều.
Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức chia sẻ quan điểm của mình: “Văn hóa phong tục ở bất cứ thời kì nào cũng có điều tốt, điều xấu. Chúng ta không nên nghĩ cứ thay đổi là xấu, quá khứ cũng có những thành tố đen tối của nó. Hà Nội cũng cần phải thay đổi, vận động để bỏ đi những thành tố đen tối ấy. Và thay đổi cũng có nghĩa là kế thừa những giá trị tốt đẹp. Hãy nghĩ đến việc thế hệ sau 60 năm nữa ao ước được trở về thời đại lúc này cũng như chúng ta đang ao ước được trở về với Hà Nội ngày xưa vậy”.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng đưa đến buổi tọa đàm những bức ảnh về những căn nhà ống đứng treo đầy biển quảng cáo trong các dự án nghệ thuật về Hà Nội của mình. Theo anh, Hà Nội đã bắt đầu quá trình đô thị hóa và thay da đổi thịt rất nhiều. Cảnh vật thay đổi khi những ngôi nhà ngoài mặt đường đều khoác trên mình tấm biển quảng cáo và phủ kín cả dãy phố. Anh nhận định: “Trước năm 1986, ở Hà Nội tìm đâu ra cảnh nhiều căn nhà cao tầng như vậy. Từ “mặt tiền” trở thành “tiền mặt”, không gian riêng tư trở thành không gian công cộng. Điều này không chỉ diễn ra ở mình Hà Nội mà đang lan tràn ra toàn quốc”.
Hà Nội theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, đang thay đổi một cách chóng mặt. (Ảnh: Nguyễn Thế Sơn)
Sau những lời chia sẻ từ hai diễn giả, nhà thơ Vi Thùy Linh cũng bày tỏ những quan điểm và bức xúc của mình khi chứng kiến Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Nhà thơ tỏ ra rất thẳng thắn khi cho rằng Hà Nội bây giờ rất xấu, bản thân nhà thơ cũng thường xuyên đi đến những địa điểm xưa cũ để hoài niệm bởi Hà Nội bay giờ không còn giữ lại được những dấu tích tốt đẹp ngày xưa. Chị cũng bày tỏ ý kiến về việc đốn hạ cây xanh tại Hà Nội vừa qua, đối với nữ thi sĩ, việc chặt đi những gốc cây bên đường Hà Nội là sự bạo hành không thương tiếc.
Trước những ý kiến của 3 nhà diễn giả về sự thay đổi của Hà Nội, kiến trúc sư Phó Đức Tùng nhận xét rằng cả 3 vị diễn giả đều có điểm chung khi cho rằng chỉ bốn quận nội thành cùng khu phố Pháp và phố cổ mới được gọi là Hà Nội. Anh đặt ra câu hỏi: Hà Nội bây giờ có được gọi là Hà Nội không? Vị kiến trúc sư cũng chia sẻ quan điểm của mình: “Theo tôi, chúng ta không thể so sánh Hà Nội ngày xưa với Hà Nội ngày nay. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng cuối cùng vẫn trở về Hà Nội. Tôi thích Hà Nội dù nó thay đổi rất nhiều. Dù vận động thế nào thì Hà Nội cũng có những ưu điểm khác, tôi mong giời trẻ sẽ nhìn ra sự đáng yêu này và vẫn sẽ yêu quý Thủ đô của chúng ta như bây giờ”.
Mỗi một người yêu Hà Nội hãy hành động để giữ lại một Hà Nội đẹp nhất có thể trong lòng mình.
Kết thúc buổi tọa đàm, nhiều vị khán giả ở mọi lứa cũng đưa ra những chia sẻ, đóng góp ý kiến. Nhiều người cho rằng bản thân Hà Nội cũng đang thay đổi để phù hợp với thời đại, có người lại nghĩ Hà Nội vẫn vậy, chỉ có con người đang thay đổi nhưng không nhận ra. Kết thúc buổi tọa đàm, mọi người đều nhận định rằng dù Hà Nội có thế nào thì tình yêu với mảnh đất ngàn năm văn vật này vẫn không có sự khác biệt, chỉ có điều mỗi người đều đang yêu Hà Nội theo cách của riêng mình mà thôi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!