“Hồ Thiên Nga” phiên bản 3D - cuộc cách mạng của ballet

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 30/07/2015 14:02 GMT+7

Nghệ sĩ Bùi Công Duy

VTV.vn - Nghệ sĩ Bùi Công Duy chia sẻ, vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” phiên bản dành cho khán giả Việt Nam là kết quả của một cuộc cách mạng trong trình diễn ballet.

Ngày 1/8, nhà hát Ballet Talarium Et Lux sẽ đến Hà Nội công diễn vở “Hồ Thiên Nga”. Ở Việt Nam, “Hồ Thiên Nga” là tác phẩm được nhắc đến khá nhiều trong các nhà hát ca múa kịch cũng như các sinh hoạt văn nghệ khác nhưng đây là lần đầu tiên vở diễn này được trình diễn bởi những nghệ sĩ ballet đích thực đến từ Nga. Anh thấy đây là một tín hiệu vui chứ?

- Tôi nhớ, khoảng 20 năm trước, “Hồ Thiên Nga” từng được các nghệ sĩ ở Nhà hát Ca múa Kịch Việt Nam biểu diễn. Sau đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật cao cấp ở ta bị gián đoạn. Thời bao cấp tuy nghèo nhưng chúng ta được sống trong bầu không khí văn hóa khá tốt. Thời ấy nhạc giao hưởng, nhạc kịch cũng có nhiều đêm công diễn hơn. Sau đó, chúng ta mất một khoảng thời gian bị “bỏ đói” tương đối dài. May là, khoảng 5 năm gần đây mọi thứ tạm trở lại theo đúng hướng. Tôi thấy nhu cầu thưởng thức của công chúng đang trở lại và đó là tín hiệu đáng mừng, cũng là cần thiết đối với sự phát triển văn hóa của một thủ đô.

Với tôi, “Hồ Thiên Nga” là một vở ballet để lại nhiều ấn tượng nhất. Tôi xem vở diễn này lần đầu trong một nhà hát lớn ở Nga – trong không gian thực sự của ballet – vào năm 1992. Lần đó, dù chỉ có vé tấm vé hạng bét, ngồi cách xa sân khấu, phải dùng ống nhòm để xem nhưng cảm xúc vở diễn mang đến thật tuyệt vời. Ngoài những nghệ sĩ biểu diễn tài năng, thiết kế sân khấu của họ cũng vô cùng đẹp, có hồn. Các nghệ sĩ biểu diễn trên nền nhạc được chơi ngay trên sân khấu, tất cả tạo ra những giây phút thăng hoa hiếm có.

Anh hứng thú điều gì nhất trong âm nhạc của Tchaikovsky nói chung và âm nhạc của “Hồ Thiên Nga” nói riêng?

- Tchaikovsky là một bậc thầy về giai điệu, tôi có cảm tưởng ông có thể vẩy tay là có một giai điệu đẹp rồi. Ông đã tạo ra vô số những giai điệu tuyệt đẹp trong suốt cuộc đời sáng tác của mình. Với một tác giả kinh điển, việc khen ông có lẽ là điều không còn cần thiết nữa. Âm nhạc của Tchaikovsky có vẻ đẹp của chiều sâu nội tâm nhưng vẫn có gì đó rất “quê mùa”. Thực tế, vẻ đẹp hồn hậu của những giai điệu Tchaikovsky chắt chiu từ dân gian chính là thứ tạo nên sự khác biệt trong âm nhạc của ông.

Tài năng đó của Tchaikovsky một cách tự nhiên rất “ăn nhập” với ballet - bộ môn nghệ thuật của của nhịp điệu cơ thể. Vở “Hồ Thiên Nga” trở nên kinh điển vì nó là nhịp điệu của tình yêu - đẹp và chân thật như hơi thở của những người đang yêu. Phiên bản “Hồ Thiên Nga” được công diễn tại Việt Nam lần này ngoài những nàng thiên nga xinh đẹp còn có sự xuất hiện bất ngờ của chú hề, tạo một điểm nhấn tuyệt vời cho khán giả.

Ballet phải diễn ở trong nhà hát, nhưng lần này về Việt Nam, “Hồ Thiên Nga” lại được biểu diễn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Theo anh, địa điểm đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nghệ thuật của một vở ballet cổ điển?

- Vở ballet mẫu mực bao gồm: sự biểu diễn điêu luyện của các vũ công, thiết kế sân khấu đẹp, nhạc đánh trực tiếp và biểu diễn trong nhà hát. Lần này, khi nhà hát Talarium Et Lux mang “Hồ Thiên Nga” đến Việt Nam, sân khấu của đoàn sẽ được dựng hoàn toàn bằng công nghệ 3D - sử dụng công nghệ ánh sáng lazer của Panasonic - công nghệ từng được sử dụng đạt hiệu ứng rất tuyệt vời trong Olympic Sochi để thay thế cho thiết kế sân khấu phông màn. Tôi đã xem trực tiếp phiên bản 3D của vở diễn này và cảm thấy đây là một cuộc cách mạng trong trình diễn ballet, hiệu ứng cảm xúc đạt được rất tốt. Đáng nói là, phiên bản này vừa được công diễn năm 2014 và chỉ 1 năm sau đó đã được đưa đến Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được xem vở diễn này và thực ra thì đó là một sự tiếp cận rất nhanh.

Tất nhiên, với người từng yêu thích cách trình diễn cổ điển của ballet có thể sẽ không hoàn toàn hài lòng. Nhưng chúng ta phải hiểu, nếu mất công mời được đoàn nghệ sĩ toàn những tên tuổi đỉnh cao của ballet Nga đến Việt Nam, thì chúng ta phải cố gắng để cho nhiều người cùng thưởng thức. Nhà hát lớn Hà Nội là nơi có đủ điều kiện để dàn dựng vở diễn theo cách cổ điển nhưng chỉ có sức chứa 600 ghế ngồi, e rằng hơi ít so với 6 triệu dân của thủ đô. Chưa kể, vì thiết kế sân khấu của ballet cổ điển phải là thiết kế dành riêng cho từng nhà hát, vì vậy, nếu chúng ta tạo ra một sân khấu như vậy là bất khả thi ở Việt Nam vì sẽ tốn kinh phí khổng lồ. Vì vậy, tôi nghĩ Trung tâm Hội nghị Quốc gia là lựa chọn tối ưu nhất của Ban tổ chức.

Còn về việc sử dụng công nghệ ánh sáng để thiết kế sân khấu, theo tôi thấy là không đáng lo. Tôi từng xem một vở opera từ năm 2010 ở Los Angeles, lần đó sân khấu của họ vừa sử dụng thiết kế bằng phông màn vừa kết hợp sử dụng công nghệ bắn lazer ánh sáng. Khi họ sử dụng công nghệ 3D thì nó gây sự hấp dẫn hơn. Tôi từng nghĩ đây là cuộc cách mạng của opera và bây giờ tôi bất ngờ khi họ có thể áp dụng công nghệ này cho ballet. Tôi nghĩ trong thời đại hiện nay, các bộ môn nghệ thuật cổ điển muốn phổ cập đến đông đảo khán giả hơn thì sân khấu cũng cần có bước tiến của mình.

Chắc chắn, việc mời được một đoàn nghệ sĩ ballet danh tiếng thế giới đến biểu diễn, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ là không hề đơn giản về sự đầu tư tâm sức, tiền bạc. Anh đánh giá thế nào về những người dám đầu tư vào nghệ thuật?

- Ở các nước tiên tiến, nghệ thuật luôn sống bằng hai nguồn: tiền thuế của nhân dân đóng góp và sư bảo trợ của các công ty kinh doanh lớn. Đứng sau các nhà hát lớn, các đoàn nghệ thuật biểu diễn bao giờ cũng có các đơn vị bảo lãnh. Một điều hiển nhiên, khi đời sống văn hóa được nâng cao, đời sống văn minh hơn, xã hội sẽ kích thích sản sinh ra những giá trị đặc biệt khác nhau. Giá trị của văn hóa không phải là những thứ có thể cầm nắm, nhưng khi nó lan tỏa, hiệu ứng sẽ rất rộng và mạnh mẽ.

Thông qua các bộ môn nghệ thuật: hội họa, ballet, nhạc kịch, đời sống văn hóa sẽ được nâng cao. Vì vậy, tôi thực sự trân trọng các Nhà tài trợ đã chung tay hỗ trợ để ê-kíp của Công ty Cổ phần đào tạo và Tư vấn Truyền thông AAA mang được dự án nghệ thuật đẳng cấp này về Việt Nam. Những người dám đầu tư vào nghệ thuật chính là người nhận thức và đánh giá chính xác về giá trị nền tảng bền vững của sự phát triển. Điều này rất cần thiết và cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta vì khó khăn mà đang làm nhiều việc theo kiểu “đi tắt đón đầu” nhưng văn hóa thì chắc chắn không thể nào đi tắt.

Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Bùi Công Duy!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước