Làng nghề trăm năm tuổi là nốt lặng trong nhịp điệu thị trường nhộn nhịp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 24/07/2023 14:26 GMT+7

VTV.vn - Hiện tại nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một vì sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường

Gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất phương Nam, nhiều nghề thủ công truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đã được công nhận là di sản văn  hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, hiện tại nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ mai một vì sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường. Nhiều làng nghề cả trăm năm tuổi trở thành nốt lặng trong nhịp điệu thị trường trầm bổng.

Hiện nay, ở Nam Bộ có thể kể đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan đến nghề thủ công truyền thống như sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương), bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh), dệt chiếu Định Yên (Đồng Tháp), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)… Mỗi làng nghề là kết tinh của giá trị văn hóa truyền thống từ lâu đời. Thế nhưng, sức sống của di sản không thể chỉ dựa vào truyền thống lâu đời mà còn cần có sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp.

"Cần sự vào cuộc tập trung của các cấp chính quyền, với những chính sách cho các dự án để khuyến khích đổi mới sáng tạo, kết nối giá trị địa phương, huy động được nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc của văn nghệ sĩ, các tầng lớp trong xã hội để có thêm nhiều sự đổi mới…", ông Nguyễn Trung Thành – Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa làng nghề không chỉ là cất giữ mà còn phát triển, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho nó có thể sống lại, làm các giá trị này tồn tại trong đời sống thực. Nhiều tỉnh Nam Bộ đã có kế hoạch, như: Đồng Tháp đặt ra mục tiêu bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một và thất truyền; tỉnh An Giang đề ra kế hoạch phát triển nghề nông thông, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bản giai đoạn 2023- 2026…

Bên cạnh vai trò của Nhà nước, trong thời gian, tận dụng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công trong việc quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương. Điển hình là một nhóm các bạn trẻ ở Cần Thơ, với dự án truyền thông "Di sản đồng bằng". Dự án này hướng đến việc giúp người trẻ hiểu được công việc của những người làm nghề thủ công, thêm trân quý những giá trị truyền thống mà các làng nghề mang lại.

Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ lưu giữ nghề truyền thống với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải bài toán đơn giản, cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm của những người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới tồn tại, lưu giữ được những nét đẹp của cha ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước