Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nhiều nhạc sĩ Việt Nam cũng đã từng viết các tác phẩm giao hưởng để kể về cuộc cách mạng cũng như tinh thần chiến đấu đó.
Tháng Tám lịch sử là bản giao hưởng đầu tay của nhạc sĩ Doãn Nho, viết gần 30 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1973. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông mới chỉ là một cậu bé 15 tuổi. Thế nhưng, những kí ức của ngày lịch sử ấy đi theo ông và thôi thúc ông viết bản giao hưởng này.
Với 5 chủ đề, Tháng Tám lịch sử như một bức tranh bằng âm nhạc tái hiện không khí những ngày trước và trong cách mạng. Với nhịp điệu trầm buồn mở đầu, sau đó phát triển thành những nhịp mạnh và sắc, bản giao hưởng đã vẽ nên cả cuộc chiến đấu ngoan cường của quân đội và nhân dân Việt Nam.
Một bản giao hưởng khác về chủ đề cách mạng là Đất nước anh hùng của nhạc sĩ La Thăng. Tác phẩm chủ yếu miêu tả vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam cũng như sự kiên cường bất khuất để giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc.
Bên cạnh hai nhạc sĩ La Thăng và Doãn Nho, rất nhiều nhạc sĩ khác của Việt Nam cũng sáng tác nhạc giao hưởng lấy cảm hứng từ cách mạng như nhạc sĩ Đỗ Nhuận với tổ khúc Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Hoàng Việt với Quê hương và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Đồng khởi. Những tác phẩm này không chỉ góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam, mà còn mang giá trị lịch sử, góp phần lưu lại không khí hào hùng của cuộc kháng chiến đến muôn đời sau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!