Chất độc dioxin tại Việt Nam: Thiệt hại không thể tính bằng tiền

Trung Thịnh - Thế Anh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Chủ nhật, ngày 29/11/2015 06:00 GMT+7

Nạn nhân da cam dioxin Việt Nam.

VTV.vn - Đó là nội dung tham luận của PGS Lê Kế Sơn nghiên cứu về hậu quả chất độc da cam đối với môi trường sinh thái và giải pháp xử lý tại Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, một lượng lớn chất diệt cỏ (chất da cam dioxin) đã được rải xuống miền Nam và miền Trung Việt Nam. Chiến tranh đã qua đi, nhưng hậu quả của những chất này trên môi trường và con người vẫn còn dai dẳng.

Với tham luận nghiên cứu hậu quả da cam dioxin đối với môi trường sinh thái và giải pháp xử lý, PGS Lê Kế Sơn đã nhấn mạnh về những hậu quả nặng nề mà Việt Nam đã và đang phải hứng chịu. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, hàng trăm nghìn mét khối đất bị phơi nhiễm.

Theo PGS.TS Lê Kế Sơn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: ‘Ít nhất có 2,1 triệu người và cao nhất là 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam dioxin. Thiệt hại này là không thể tính được bằng tiền, đặc biệt là việc gây dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Thứ hai, chất da cam dioxin tác động xấu đến môi trường sinh thái. Sự tồn lưu dioxin trong đất sẽ làm suy giảm diện tích rừng và làm suy giảm số lượng động vật quý hiếm’.

Theo số liệu Young công bố năm 2009, từ năm 1961 đến 1972, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 79 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có hơn 46 triệu lít có chứa dioxin. Để xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích là vấn đề khó, Việt Nam cần hợp tác sâu rộng với các nước để tìm ra phương án tối ưu.

Đại tá Lâm Vĩnh Ánh, Chủ nhiệm đề án tìm kiếm công nghệ xử lý chất da cam dioxin, Bộ Quốc phòng cho biết: ‘Trong thời gian vừa qua, các nước và các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề hỗ trợ công nghệ như tổ chức USAID đang tiến hành thực hiện giải pháp hấp nhiệt tại Đà Nẵng, kết quả ban đầu cho thấy có tính khả thi. Tuy nhiên để xử lý lượng lớn thì phải cần nguồn vốn khổng lồ. New Zealand cũng đã nghiên cứu phương pháp nghiền bi, tuy nhiên phương pháp này vẫn còn những hạn chế nhất định’.

Tiến sĩ khoa học Mitsuo Mouri, Công ty Shimizu, Nhật Bản kiến nghị: ‘Đối với trường hợp xử lý chất da cam dioxin tại Việt Nam, theo chúng tôi các bạn nên áp dụng phương án kỹ thuật tẩy rửa đất kết hợp việc mang nung đất bị nhiễm. Việc tẩy rửa đất sẽ làm giảm diện tích đất phơi nhiễm, việc nung đất sẽ loại bỏ dần chất dioxin có trong đất’.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần hoàn thiện các văn bản pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ngưỡng dioxin tại các khu vực, vùng đất tại các điểm nóng. Cần có tiêu chí cụ thể về lựa chọn công nghệ xử lý dioxin, đồng thời cần nâng cao năng lực giám sát cả về con người và trang thiết bị để công tác giám sát thực sự chủ động trong xử lý các vấn đề liên quan đến dioxin.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước