"Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông là hết sức nguy hiểm"

Huyền Trang - Chu Chỉnh-Thứ ba, ngày 09/06/2015 11:59 GMT+7

VTV.vn - Việc Trung Quốc tuyên bố mời các tổ chức quốc tế, Mỹ và những nước liên quan sử dụng cơ sở, căn cứ trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép là hết sức nguy hiểm.

Việc Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma và một số bãi cạn ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam liên tục được đề cập trên các phương tiện thông tin Việt Nam và quốc tế trong thời gian qua. Trước hành động này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Để hiểu rõ hơn về ý đồ của Trung Quốc trong việc xây đảo nhân tạo trên các bãi cạn, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông? Trung Quốc có cơ sở pháp lý nào để thực hiện các hành động này?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Hành vi xây dựng, cải tạo các đảo, xây dựng căn cứ quân sự là sự nối tiếp các hành động dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, nay tìm cách hợp thức hóa, hiện thực hóa chủ quyền mà họ dùng vũ lực để đánh chiếm, hoàn toàn không có căn cứ, hoàn toàn đi ngược các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đi ngược Công ước Luật Biển 1982 mặc dù họ là một thành viên rất tích cực trong quá trình xây dựng công ước này.

Nếu như chúng ta tiếp tục để cho Trung Quốc hành xử như vậy có nghĩa là tất cả quy định của Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982 có thể trở thành vô nghĩa. Công lao của nhân loại, của giới luật sư các quốc gia có biển để xây dựng nên, đưa Công ước Luật Biển 1982 trở thành Hiến chương về biển của thế giới cũng không còn ý nghĩa gì cả.

Ý đồ của Trung Quốc trong việc xây đảo nhân tạo là gì?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Ngoài vấn đề khẳng định chủ quyền và tìm cách mở rộng chủ quyền cho cái yêu sách của mình về mặt pháp lý, về mặt quân sự, đấy là các vị trí đủ điều kiện về mặt không gian, khoảng cách, khoa học kỹ thuật, dịch vụ để có thể khống chế và kiểm soát con đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, rồi đường hàng không đi qua bầu trời Biển Đông. Đó là những tính toán của Trung Quốc, điều đó mới là mũi tiến công chính trong cuộc xâm lược mềm mà rất nhiều học giả đã đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Các đảo nhân tạo này có mang lại quyền chủ quyền và quyền tài phán không?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Theo Điều 121 của Công ước Luật Biển 1982 quy định, đảo là những vùng đất luôn luôn nổi trên mặt đất khi thủy triều lên cao nhất thì mới có quyền vạch ra hệ thống đường cơ sở bao lấy những điểm nhô ra nhất bao lấy đảo đó để tính ra những vùng biển của nó như vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Nhưng nếu đảo không đủ lớn, không thích hợp cho đời sống con người và không có đời sống kinh tế riêng thì nó không có quyền có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, mà chỉ có tối đa lãnh hải là 12 hải lý mà thôi.

Đối với các bãi cạn, các rạn san hô, nó nằm trên thềm lục địa thì như thế nào? Nếu xây dựng các công trình ở trên đó như đảo nhân tạo hay các công trình phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thì chỉ có quyền quy định một vùng gọi là vùng an toàn 500m bao quanh các công trình nhân tạo đó để bảo vệ cho sự an toàn của nó mà thôi.

Theo ông, việc Trung Quốc tuyên bố mời các tổ chức quốc tế, Mỹ và những nước liên quan sử dụng cơ sở, căn cứ trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép này nhằm mục đích gì?

Tiến sĩ Trần Công Trục: Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm của Trung Quốc. Nếu như vì lợi ích kinh tế, vì mục đích nhân đạo, có thể có một số tổ chức nào đó đồng ý làm đơn sử dụng các đảo nhân tạo như một sự mặc nhiên thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể mà họ đã xây dựng.

Một lần nữa cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Đài THVN.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước