Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, châu Á Thái Bình Dương là điểm nóng của các bệnh truyền nhiễm, trong đó bao gồm cả các bệnh lây lan từ động vật sang người. Để phòng chống dịch bệnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng cách tiếp cận đa ngành (phương pháp tiếp cận Một sức khỏe).
Bắt đầu từ năm 2003 khi dịch cúm H5N1 được phát hiện, Việt Nam đã triển khai mô hình tiếp cận đa ngành với sự phối hợp chủ chốt giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hai Bộ đã đẩy mạnh việc kiểm tra giám sát, trao đổi thông tin và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận xét: “Việt Nam đang thực hiện rất tốt việc phòng chống, phát hiện và ứng phó đối với những nguy cơ bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Thành tựu của Việt Nam trong phương pháp tiếp cận Một sức khỏe là rất quan trọng bởi trong vài thập kỉ vừa qua, ¾ các bệnh mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật”.
Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới năm 2005 yêu cầu các quốc gia nâng cao khả năng phát hiện, ứng phó đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Theo đánh giá của đại diện WHO, Việt Nam đã có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực này nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Masaya Kato, Điều phối viên nhóm các bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Có rất nhiều thách thức, một trong số đó là làm thế nào để có thể đẩy mạnh phối hợp giữa ban ngành khác nhau phụ trách vấn đề sức khỏe động vật và sức khỏe con người không chỉ ở cấp quốc gia, mà còn ở cấp tỉnh và địa phương. Hai là làm thế nào để chia sẻ, kết nối thông tin, tổ chức các cuộc thảo luận giữa các ban ngành khác nhau”.
Hội nghị cũng đề cập đến việc dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc đang lan rộng về hướng Nam, đến các tỉnh giáp với Việt Nam và biện pháp ứng phó trước nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm quốc gia đã họp và đưa ra một chương trình hành động hết sức cụ thể, trong đó tăng cường về giám sát trên đàn gia cầm đối với H7N9, giám sát đối với các cơ sở y tế đối với các trường hợp có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp cấp, chúng tôi đều đưa vào diện giám sát rồi tăng cường biện pháp phòng chống trên đàn gia cầm”.
Theo ông Long, Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp gia cầm nhiễm H7N9. Hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ sở thiết bị, đào tạo tập huấn nhân sự để ứng phó, giảm thiểu tác hại khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm. Đồng thời, Bộ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong việc giám sát dịch bệnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.