Bộ Y tế họp trực tuyến với 700 điểm cầu trong cả nước để triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Văn Thành, icon
10:17 ngày 06/03/2021

VTV.vn - Sáng ngày 6/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc.

Hội nghị kết nối đến tận các tuyến huyện với tổng số hơn 700 điểm cầu trên cả nước.

Theo kế hoạch, trước mắt, từ ngày 8/3 tới, Bộ Y tế phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cho 13 tỉnh thành phố có dịch và ưu tiên cho Hải Dương - điểm nóng về phòng chống dịch. Ngày 8/3, sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Trong lần tiêm này, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này. Bộ Y tế tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc là những người có khả năng lây nhiễm rất cao, sau đó là những người tham gia công tác phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm làm công tác truy vết, xét nghiệm…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.

"Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code" - Bộ trưởng nói.

Lần này, Bộ Y tế sẽ huy động tổng lực toàn ngành tham gia tiêm chủng do đây là chiến lược tiêm chủng lớn nhất nước với trên 100 triệu mũi tiêm.

Do lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vaccine mới, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, công tác truyền thông lần này rất quan trọng.

"Chắn chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm vaccine. Trên toàn cầu cũng có người tham gia gia phong trào anti vaccine nhưng lợi ích của vaccine ngừa COVID-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng" - Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý: "Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100 % an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Vì đây là vaccine mới nên chúng ta triển khai thận trọng. Dù vaccine đã về Việt Nam từ ngày 24/2, nhưng chúng ta chờ có giấy chứng nhận lô xuất xưởng từ nhà sản xuất; đồng thời chúng ta cũng đánh giá lại toàn diện tất cả chỉ số an toàn của lô vaccine này".

Theo Bộ trưởng, dù độ bảo vệ của vaccine AstraZeneca không đạt 100%, nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng.

Hiện tại, vaccine Pfizer có hiệu lực bảo vệ trên 90%, Moderna hiệu lực bảo vệ 94% nhưng vaccine AstraZeneca chỉ có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100%, nên song song với việc tiêm vaccine, vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K.

Hiện, Bộ Y tế vẫn đang tích cực phối hợp và đề nghị COVAX chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng tháng 3 này, lượng vaccine sẽ về dồi dào, hơn khoảng 1,3 triệu liều. Đến tháng 4 và 5, nguồn cung vaccine sẽ tăng lên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục