6 tháng triển khai Nghị định 100: Ai còn hoài nghi hiệu quả?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/07/2020 20:04 GMT+7

VTV.vn - Việc triển khai thực hiện quyết liệt của lực lượng chức năng, cùng khung hình phạt nghiêm khắc của Nghị định 100 đã phát huy hiệu quả.

Uống 1 chén rượu, điều khiển ô tô rồi lĩnh phạt 18 đến 20 triệu đồng, bị tước bằng lái xe gần 2 năm - nhiều mức phạt nghiêm khắc chưa từng có bắt đầu được thi hành từ đầu năm nay, theo Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trước khi Nghị định 100 được đưa vào thi hành, nhiều người còn hoài nghi về tính hiệu quả của mức phạt nặng này và cho rằng tai nạn giao thông còn đến từ nhiều nguyên nhân khác chứ không chỉ từ rượu, bia. Hôm nay (1/7), tròn 6 tháng triển khai, những con số "biết nói" sau đây chắc chắn sẽ cho những người còn hoài nghi có câu trả lời rõ ràng.

Tính đến hết tháng 6, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 86.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong tổng số hơn 1.835.000 vụ vi phạm an toàn giao thông. Trong 6 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm 19%, số người chết giảm 15%, số người bị thương giảm 22%. Đây là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua, cả về số vụ, lẫn số người chết và số người bị thương.

6 tháng triển khai Nghị định 100: Ai còn hoài nghi hiệu quả? - Ảnh 1.

CSGT đo nồng độ cồn của các lái xe

Đó thực sự là những con số mang đến cho chúng ta những suy nghĩ lạc quan hơn. Mọi năm, trước Tết Nguyên đán, những quán ăn quán nhậu luôn đông nghịt cả trưa lẫn tối vì người dân đi ăn tất niên. Tuy nhiên năm nay, quán xá vắng khách hơn. Thậm chí, theo đánh giá của Bloomberg - một hãng thông tấn của Mỹ, chỉ hơn nửa tháng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, vào khoảng cuối tháng 1, doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25%, hàng loạt hàng quán kinh doanh ăn uống cũng đóng cửa theo. Còn ở thời điểm hiện tại, phần lớn khách uống bia đều tự đi xe máy đến quán. Không ai dám chắc rằng tất cả những vị khách sẽ gọi taxi ra về sau cái cụng ly.

Tại TP.HCM, các tuyến đường nhiều quán nhậu như Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Hoàng Sa vẫn đông đúc, dù có ít hơn so với trước đây. Người đi nhậu vẫn đi xe máy như thường, với nhiều lý do khác nhau. Theo thống kê của một đơn vị làm dịch vụ đưa người say về nhà, ngay sau Nghị định 100, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ tăng đến vài trăm phần trăm. Song tỷ lệ đó cứ giảm dần và hiện chỉ còn đạt mức 40%. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng không say là còn chạy về được hoặc trời mưa ít khi gặp lực lượng chức năng đo nồng độ cồn, không sợ bị phạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước