Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, TP.HCM sẽ chỉ còn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp thành phố, cấp huyện và xã; không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường. Mục tiêu là để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò của TP.HCM - thành phố đầu tàu kinh tế với hơn 9 triệu dân, đóng góp gần 1/4 GDP của cả nước.
Nếu được áp dụng trong thực tiễn, đây được kỳ vọng là bước đi đột phá trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Tại Việt Nam hiện có 2 thành phố được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị kể từ ngày 1/7/2020 là Hà Nội và Đà Nẵng. Trước đó, từ năm 2009 đến năm 2016, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân đã được triển khai ở 10 tỉnh, thành trên cả nước, gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Tại TP.HCM, việc thí điểm bỏ tổ chức Hội đồng nhân dân tại cấp phường đã mang đến kết quả gì?
Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM, bộ phận tiếp dân của HĐND phường được nhập thành một với bộ phận tiếp dân của UBND của phường. Các cán bộ của Ủy ban kiêm nhiệm một số nhiệm vụ, công việc của HĐND trong việc tiếp nhận, giải quyết các ý kiến của người dân. Điều này giúp bộ máy làm việc của phường được tinh gọn hơn. Hiệu quả và trách nhiệm làm việc của cán bộ cũng được nâng cao hơn.
Việc không tổ chức HĐND cũng giúp cho việc tự chủ của UBND được thực hiện tốt hơn. Nhờ sự chủ động, các vấn đề kinh tế - xã hội của phường Tân Định được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là về vấn đề thu ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn phường Tân Định thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, thu ngân sách của phường tăng gấp đôi, đạt hơn 28 tỉ đồng trong năm 2017.
Từ năm 2009 đến 2016, TP.HCM đã thí điểm không tổ chức HĐND ở cả 24 quận/huyện, 259 phường. Qua đó, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn đảm bảo. Một số mặt thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả cấp hành chính.
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM và ông Trương Văn Lắm - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM trao đổi về vấn đề không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường tại TP.HCM trong chương trình Sự kiện & Bình luận của Đài THVN
Việc xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là công việc có tính vĩ mô mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương, tác động sát sườn tới đời sống dân sinh, những công việc phục vụ nhân dân của bộ máy công quyền. Chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Nếu đề xuất này của TP.HCM được thông qua, những biện pháp tới đây cần phải được triển khai quyết liệt để việc phân cấp quản lý ở thành phố lớn nhất cả nước được thực sự hiệu quả, đảm bảo phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Để có thêm thông tin về vấn đề này, cùng theo dõi những chia sẻ của bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM và ông Trương Văn Lắm - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM trong chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!