Cần giải pháp bền vững để giữ chân nhân viên y tế

Vũ Em-Thứ ba, ngày 14/06/2022 10:28 GMT+7

VTV.vn - Trong 2 năm qua, cả nước có hơn 5.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Trong quý I/2022, tình trạng nhân viên y tế ở khu vực công lập nghỉ việc tiếp tục diễn ra.

Tại TP Hồ Chí Minh, nếu như năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc thì trong quý I năm nay ghi nhận thêm 400 nhân viên y tế nghỉ việc. Ngoài các nhân viên y tế ở các bệnh viện thành phố thì tình trạng nghỉ việc tại y tế cơ sở diễn ra đã khiến nhiều trạm y tế thiếu nhân lực, đặc biệt là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề

Tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, ghi nhận trong buổi cho trẻ uống vitamin A, do lượng người quá đông nên các tình nguyện viên từ Hội Chữ thập đỏ TP Thủ Đức phải đến hỗ trợ.

Với quy mô phường hơn 100.000 dân nhưng nhân viên tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh chỉ vỏn vẹn có 6 người trong đó, có 2 bác sĩ nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề. Khối lượng công việc hàng ngày đã nhiều nay lại càng thêm khó khăn.

Cần giải pháp bền vững để giữ chân nhân viên y tế - Ảnh 1.

Theo bác sĩ Lê Thành Nam - phụ trách điều hành Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức: "Những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thì đã nghỉ việc. Khó khăn của chúng tôi là bây giờ khám chữa bệnh, ký đơn thuốc vì bảo hiểm chưa cho phép chúng tôi được ký đơn thuốc tại trạm y tế. Việc cấp cứu cho bệnh nhân tại trạm không may nếu xảy ra biến chứng gì thì chúng tôi không có cơ sở pháp lý để bảo vệ mình".

Theo báo cáo nhanh của các Trung tâm Y tế tại TP Hồ Chí Minh, sau dịch COVID-19, nhiều cán bộ trạm y tế nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác dẫn đến việc nhiều trạm y tế hiện không còn nhân sự chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật làm việc hoặc thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Là người có nhiều năm công tác tại trạm y tế, bác sĩ Phạm Huy Hoàng cho biết, khối lượng công việc quá tải trong khi mức lương, phụ cấp chưa phù hợp thời gian qua đã khiến nhiều bác sĩ không thể tiếp tục gắn bó. Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương đã có những chính sách thay đổi phù hợp để giữ chân lực lượng tại trạm.

Cần giải pháp bền vững để giữ chân nhân viên y tế - Ảnh 2.

"UBND phường cũng đảm bảo phụ cấp chống dịch, đúng như chỉ đạo của TP Thủ Đức cũng như trung tâm y tế có chi trả kịp thời các mức độ lương. Còn các mức độ, chế độ nữa về sau này của anh em thì có chế độ chính sách thêm để giữ chân lực lượng tại chỗ", bác sĩ Phạm Huy Hoàng - Trưởng Trạm Y tế phường Trường Thọ, TP Thủ Đức - cho hay.

Thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, cáng đáng thêm nhiều công việc khiến các nhân viên y tế thấp thỏm. Sở Y tế đề nghị các trung tâm y tế báo cáo danh sách trạm y tế bị thu hồi giấy phép hoạt động, không còn người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, không có bác sĩ có chứng chỉ và đề xuất giải quyết đối với từng trạm y tế.

Lương thấp khiến trạm y tế khó thu hút bác sĩ

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành cũng ghi nhận tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế. Nguyên nhân được chỉ ra phần lớn là mức lương không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Một nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tiền lương trung bình nhân viên y tế công lập khoảng 7,36 triệu đồng.

Gần 81% nhân viên y tế tham gia khảo sát cho biết "không đủ tiền sinh hoạt phí trong đại dịch COVID-19". Lương thấp là nguyên nhân phần lớn khiến nhiều trạm y tế không thu hút được nhân viên y tế, nhất là bác sĩ, về trạm.

Trạm Y tế xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai hiện có 8 biên chế phục vụ cho gần 17.000 dân trong xã. Do tình trạng lương thấp kéo dài nên khoảng 4 năm nay, trạm không tuyển được thêm nhân viên y tế nào. Có người gắn bó với Trạm Y tế gần 40 năm nhưng tổng thu nhập mới chỉ hơn 8 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Điệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai chia sẻ: "Vì mình yêu nghề nên số tiền đó chỉ tạm ổn thôi, không có dư giả gì. Nếu có sự cố riêng thì không đủ".

Cần giải pháp bền vững để giữ chân nhân viên y tế - Ảnh 3.

Trạm Y tế phường Xuân Bình, TP Long Khánh gồm 2 tầng khang trang, sạch sẽ nhưng lại vắng bóng bệnh nhân đến khám. Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, trạm đối mặt với tình trạng không có bác sĩ làm việc cơ hữu vì nhiều lý do khác nhau.

Cũng từ đó, trạm chỉ sử dụng 50% diện tích. Không có bác sĩ gắn bó lâu dài với trạm nên các trang thiết bị như máy siêu âm, điện tim… không được cấp về để phục vụ người dân. Tất cả đều bắt nguồn từ câu chuyện lương thấp và không có đãi ngộ đặc biệt cho nhân viên y tế tuyến trạm.

Chị Nguyễn Thanh Huệ, Phó Trưởng Trạm Y tế phường Xuân Bình, cho biết: "Chị phục vụ lâu nhất 17 năm, tất cả các khoảng tầm 7 triệu đồng/tháng, một cô nhân viên thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng".

Tình trạng thiếu bác sĩ làm việc cơ hữu tại các trạm y tế đang diễn ra ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh. Có Trung tâm y tế thu hút được bác sĩ mới về làm việc nhưng cũng xin nghỉ việc sau đó không lâu gây ra nhiều ảnh hưởng trong khám chữa bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ, Trung tâm y tế TP Long Khánh, Đồng Nai cho rằng: "Khi không có bác sĩ thì người dân không tin tưởng, bệnh nhân không khám chữa bệnh tại trạm và BHYT cũng không ký hợp đồng khám chữa bệnh. Theo quy định là phải bắt buộc có bác sĩ mà phải là bác sĩ đa khoa".

Đồng Nai hiên có 170 trạm y tế xã, phường. Theo lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, hầu hết các trạm y tế đều có bác sĩ, tuy nhiên, một số trạm hiện khó khăn không có bác sĩ tại chỗ thì tạm khắc phục bằng việc điều từ các trung tâm y tế huyện, thành phố về làm việc cơ động.

Thực trạng y tế cơ sở thiếu nhân lực y tế với những bất cập đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay từ cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng: "Cần tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ. Trong đó cấp khám chữa bệnh ban đầu cần xây dựng theo mô hình y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế".

Đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị: "Việc sửa đổi Luật khám chữa bệnh lần này cần ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế cơ sở. Đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn".

Giải pháp để giữ chân nhân viên y tế

Mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã gửi đề xuất các giải pháp để tăng thu nhập cho nhân viên y tế với các nội dung:

- Nâng hệ số lương khởi điểm của bác sĩ từ 2,34 lên 2,67, tức tăng một bậc lương.

- Nâng mức phụ cấp từ 20 - 70% hiện nay lên 100%, mở rộng nhóm người được hưởng phụ cấp.

- Cần có chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù.

Tại TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 4 năm nay, Hội đồng nhân dân đã thông qua các chính sách đặc thù để giải quyết bài toán nhân lực tại y tế cơ sở. Tuy vậy các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp lâu dài để giữ chân nhân viên y tế.

Trạm Y tế phường 12, quận 10 TP Hồ Chí Minh có 6 nhân sự. Với quy mô dân số gấp hàng chục lần, trạm y tế đã phải huy động thêm lực lượng tình nguyện viên là các y bác sĩ về hưu vào thời điểm dịch bệnh tăng cao. Từ tháng 4 năm nay, khi thành phố có chủ trương trả lương hợp đồng cho các y bác sĩ về hưu, trạm y tế cho biết đây là điều kiện để gánh nặng nhân sự được san sẻ bớt.

Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng Trạm Y tế phường 12, quận 10 cho biết: "Tuổi thì lớn, cũng đã nghỉ hưu nhưng cô chú luôn nhiệt huyết hết mức, tận tâm đi làm cả đêm vì có thời gian áp lực F0 rất lớn. Nếu không nhờ các cô chú thì lúc đó trạm y tế không đủ người để tiếp cận người dân trên địa bàn. Mong muốn của y tế cơ sở là có nguồn kinh phí cho các cô chú vì họ làm việc cũng rất vất vả".

Cần giải pháp bền vững để giữ chân nhân viên y tế - Ảnh 5.

Ngoài cơ chế trả lương cho nhân viên y tế về hưu, TP triển khai các chính sách thu hút nhân lực y tế từ bác sĩ trẻ mới ra trường. Hơn 290 bác sĩ trẻ tại trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa tốt nghiệp đã đến tuyến y tế cơ sở công tác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những giải pháp trên chỉ mang tính tình thế. Các chính sách cần mang tính bền vững như lương, đãi ngộ để giữ chân nhân viên y tế đã gắn bó với trạm y tế đã lâu.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Về lâu dài làm sao để có thể rõ ràng được chức danh cũng như có chính sách đãi ngộ. Có cam kết toàn tâm toàn ý làm việc lâu dài ở tuyến y tế cơ sở, để họ có điều kiện nâng cao năng lực và có điều kiện nâng cao thu nhập. Một trong những nhiệm vụ đó là giao khám chữa bệnh ban đầu".

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: "Đó là các chính sách phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho các bác sĩ cũng như hỗ trợ các điều kiện để bác sĩ có thể tác nghiệp được bao gồm cơ chế về thuốc, xét nghiệm cũng như cơ chế bảo hiểm y tế. Cơ chế chuyển viện và quản lý. Đó là những điều kiện cần thiết để các bác sĩ có điều kiện và có cần thiết để tác nghiệm trong môi trường y tế cơ sở".

Tăng thu nhập, các chế độ đãi ngộ và phát triển bản thân đang là bài toán ngành y tế phải tính toán để giữ chân nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở bởi khi nhân viên y tế rời bỏ khu vực công lập, đồng nghĩa người bệnh sẽ chịu thiệt thòi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước